III. Lễ bỏ mả - Những ngày hội diễn của nghệ thuật truyền thống
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg-2U3VyKtQ99at8gbMc5JA525nrF6DubQlcYcfkUknGsJDqOEVJnPy8hqPhXCmwqbM26_3hxVoqZ3QWNRUDoMzBoAPYSBVHV23g3eUpGHgHcXpFnn2ciCeoq1o7SL5sX2327w9uzNcl9sm/s320/J4__9__thumb_26_.jpg)
"Đánh chiêng tiếng trầm
Chiêng ngân khe khẽ.
Đánh nhẹ cho gió lùa xuống đất.
Đánh cho vang khắp vùng,
Rung cho tiếng lùa qua đầm.
Làm cho bầy khỉ quên bám vào cây,
Cho bầy ma quên hại con người,
Cho loài chuột, sóc quên đào hang luôn,
Cho rắn luồn ra khỏi tổ,
Cho hươu, nai dừng mà ngó,
Cho thỏ lắng tai nghe
Quên cả nhai cỏ non..."
Mà như chúng tôi đã trình bày, đỉnh điểm của mùa lễ hội ở người Giarai và Bahnar là những ngày hội của lễ bỏ mả. Cho nên, lên Tây Nguyên vào mùa khô, đặc biệt là đến với người Giarai và Bahnar, ta sẽ như bị hòa vào, bị hút vào tiếng nhạc cồng chiêng âm vang trầm hùng của lễ bỏ mả. Thế nhưng ở lễ bỏ mả, tiếng nhạc cồng chiêng chỉ là cái nền âm thanh cho tất cả loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống khác của người Giarai và Bahnar mà thôi.
Sau nhiều năm điều tra nghiên cứu trên thực địa, chúng tôi dám khẳng định một điều là, không một lễ hội nào của người Giarai và Bahnar lại quy tụ vào mình hầu như tất cả những loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống như lễ bỏ mả. Ngoài cồng chiêng, ở lễ bỏ mả còn có mặt nghệ thuật múa, nghệ thuật múa rối, nghệ thuật trình diễn mặt nạ và cả nhạc trống, múa trống. Hơn thế nữa, trong lễ bỏ mả, tất cả các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống trên lại phối hợp với nhau thành cả một buổi trình diễn tổng hợp đặc biệt để tiễn đưa linh hồn người chết, để làm cho người chết hồi sinh và để giải phóng cho người sống.
Vì là một cuộc hội diễn nghệ thuật tổng hợp lớn nhất, nên ngay từ trước những ngày lễ bỏ mả, dân làng đã phải lo làm những con dối lớn nhỏ, làm những hình mặt nạ, trang trí cho những chiếc trống, chuẩn bị y phục ngày lễ và tất nhiên là phải đem ra xem lại những bộ cồng chiêng quý nhất của làng. Cũng vì là lễ hội lớn nhất và lễ hội duy nhất mang tính liên làng, nên trước lễ bỏ mả, "lời mời" phải được chuyển đi tới các làng xa, buôn gần để các buôn làng đó đem cồng chiêng tới tham dự lễ hội.
Suốt những ngày lễ hội bỏ mả (từ ba đến bảy ngày) tai khu nghĩa địa và quanh ngôi nhà mả tiếng cồng chiêng hầu như không lúc nào ngưng tiếng và mọi người thì cứ thay nhau ra ăn uống và nhảy múa ca hát. Càng về khuya, các đống lửa càng rực cháy, mọi người càng ngây ngất vì men rượu cần, tiếng nhạc cồng chiêng càng thôi thuc, dục dã và tiếng chân nhảy múa càng nhanh càng dẻo. Khi đã khuya thì các đống lửa tàn dần, tiếng công chiêng cũng lắng dần, nhịp chân nhảy múa thưa hơn và mọi người từ già đến trẻ nằm ngay bên những đống lửa ngủ một giấc ngon lành cho lại sức để ngày mai lại tiếp tục cuộc vui.
Mặc dầu hình thức là nghi thức tang ma, nhưng theo quan niệm của người Giarai và Bahnar, lễ bỏ ma là ngày vui cộng cảm, là ngày tiễn đưa người chết ra đi, là ngày giải phóng cho người sống và là nghi thức làm cho người chết tái sinh. Vì thế có thể nói, lễ bỏ mả không chỉ là những ngày hội vui mà còn là những ngày hội của tình yêu trai gái. Chúng tôi được nghe các già làng người Giarai và Bahnar kể lại rằng, xưa kia chỉ vào những ngày lễ bỏ mả, trai gái mới được tự do trong việc giao duyên và tình cảm. Không chỉ người Giarai và Bahnar, vào những ngày lễ bỏ mả, người Ê đê cũng phá mọi kiêng cữ để cho trai gái tự do vui chơi giao duyên. Theo các tác giả "văn hóa dân gian Ê đê" đêm của những hôm lễ bỏ mả, thanh niên vui chơi, trò chuyện và nhảy múa, nam nữ hát đối giao duyên bằng điệu Ayray trữ tình nồng thắm, nồng nàn mà chỉ dịp này họ mới được thỏa lòng bày tỏ. Thoạt nhìn thấy có vẻ rất mâu thuẫn, nhưng thực ra tất cả những biểu hiện trái ngược nhau ở lễ bỏ mả: than khóc vĩnh biệt người chết và các sinh hoạt hay những cảnh phồn thực của tượng nhà mồ, của trình diễn các con rối, của hát đối đáp giao duyên...đều tập trung phản ánh hai mặt hay hai mục đích chính của lễ bỏ mả: tiễn biệt người chết và làm cho người chết tái sinh qua hình thức của những hoạt động và trình diễn mang tính "phồn thực".
Tính chất hai mặt khác biệt và đối lập nhau của lễ hội bỏ mả được thể hiện ở gần như mọi hoạt động vui chơi, trình diễn và lễ thức: người nhà của người chết vì nhớ thương người thân thì than khóc, dân làng thì vui chơi, nhảy múa, ăn uống...Thể nhưng, đến nghi lễ tiễn đưa người chết thì cả hai khía cạch trên hòa vào làm một để tạo thành một cuộc trình diễn nghệ thuật tổng hợp lớn. Lúc lễ tiễn đưa hay lễ đi quanh nhà mả bắt đầu thì cồng chiêng chuyển sang đánh bản nhạc tang ma (chiêng Atâo) và mọi người phải múa bài múa tang ma (soang Atâo). Trong tiếng nhạc trống và cồng chiêng ảm đạm, lưu luyến, mọi người chậm rãi múa tiễn linh hồn người chết ra đi. Lúc này, những người múa mặt nạ trở thành hình ảnh các tổ tiên niềm nở đón chào và đưa linh hồn người chết về thế giới của mình. Trong khi đó, những con rối to nhỏ lại cứ thỏa sức "làm tình với nhau" theo bàn tay điều khiển của những người cầm rối. Cứ thế, đoàn trình diễn tổng hợp chậm rãi đi hết vòng này đến vòng khác quanh ngôi nhà mả theo chiều từ trái qua phải, chiều đi của sự sống (chiều vận động bất tận của mặt trời). Ngoài múa, mặt nạ và múa rối, ở một số nơi chúng tôi còn thấy ở lễ bỏ mả những thanh niên bôi bùn lên người, buộc lá cây làm quần áo để diễn những cảnh rất lạ: khiêng thú săn được, mô phỏng cảnh giao cấu... Vì thế chúng tôi cho rằng hẳn là lễ đi quanh nhà mả phải thể hiện một câu chuyện xa xưa nào đó. Thế nhưng cho đến nay chúng tôi chỉ mới giải mã được nội dung của buổi trình diễn đó ở lễ đi quanh nhà mả của người Bahnar (tỉnh Gia Lai). Vì thế, dưới đây chúng tôi xin mô tả và phân tích kĩ buổi trình diễn mang tính lễ thức này.
...
Lễ bỏ mả (tiếng Bahnar là brư nghĩa là bỏ) của người Bahnar thường kéo dài từ ba đến năm ngày liên tục. Một trong những nghi thức quan trọng nhất và cũng mang nhiều màu sắc diễn xướng dân gian nhất của lễ bỏ mả là Grong pơsat (đám rước đi vòng quanh nhà mả). Grong pơsat, thương được tổ chức vào ngày thứ hai (tiếng Bahnar: mơt pơsat - ngày vào) và cũng là đỉnh điểm của lễ bỏ mả. Xét về mặt nghi lễ, sau khi Grong pơsat chấm dứt thì lễ bỏ mả cũng được coi như đã xong. Bởi vậy, ở nhiều nơi, người Bahnar gọi ngày thứ ba của lễ bỏ mả là ngày vỡ (pơchăh).
Thông thường ngày mơt pơsat được bắt đầu từ sáng sớm. Hôm đó, mọi người tập trung owr nhà rông rồi mới ra nhà mả. Tại khu nhà rông, họ thịt bò heo...để cúng. Sau đó, vào quãng bốn hoặc năm giờ chiều, mọi người ôm một vò rượu nhỏ, một xâu thịt và xương hàm lợn (hoặc trâu bò) ra nhà mả làm lễ cúng. Già làng vừa làm lễ bằng động tác lấy rượu ra tưới lên xâu thịt cho chảy xuống đầu mả vừa đọc lời khấn (Sơmah): "này Atâo (ma)! Tôi báo cho Atâo biết: gia đình của Atâo đã giao nào chòi, nào nhà, nào nồi, nào vò để Atâo đem đi. Atâo hãy đem tát cả đi để mà dùng, đừng có đòi thêm gì nữa. Quý vị đã thành ma, thành thần (Yang) rồi. Thế là hết. Còn lại tát cả những gì của gia đình, xin Atâo đừng đem đi. Người nhà đã làm đủ bổn phận với Atâo rồi". Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người qua cố vào nhà mả khóc than lần cuối với người đã chết. Trong khi đó, tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên và nghi thức Grong pơsat bắt đầu. Đoàn rước gồm những người múa (thường là nữ), những người khiêng và đánh trống, những người đánh cồng chiêng, những người đeo mặt nạ, những người trình diễn các con rối. Tất cả ra đứng vào hàng, đứng đầu là những người đeo mặt nạ. Tiếp sau đó là những phụ nữ múa. Nhóm múa đứng thành hai, bốn hay sáu hàng ngang (mỗi hàng từ ba đến năm người) quay mặt về phí nhóm đánh trống, nhóm nhạc cồng chiêng phía sau hoặc cùng hướng về phía trước như tất cả các nhóm người khác trong đám rươc. Tiếp ngay sau nhóm múa là nhóm những người đàn ông khiêng và đánh trống. Nhóm này có ít nhất là ba người và nhiều nhất là bảy người gồm: hai, bốn hoặc sáu người khiêng chiếc trống to (Sơgơr) và một người đánh trống. Phía trên chiếc trống và gắn liền với các đòn khiêng trống là mô hình một ngôi nhà nhỏ mà người Bahnar gọi là nhà thần (Hnam Yang). Ở một số nơi ngôi nhà thần được một nhóm đàn ông khiêng và đi trước nhóm đánh trống. Dù hình thức và kích thước có khác nhau, ngôi nhà thần bao giờ cũng được trang trí bằng những tia mặt trời (Sơdrăng Mắtnar), có những hình các con rối nhỏ ở trong (thường là một đôi nam nữ). Nếu như nhà thần được rước ở một kiệu riêng thì người ta trang trí chiếc trống lớn bằng một cột hoa (Pah pông) có hình chim hoặc bướm trên đỉnh. Sau nhóm đánh trống là một nhóm nhạc công đánh cồng chiêng đi thành một hàng dọc. Tùy theo sự tham gia của các bộ cồng chiêng mà số nhạc công nhiều hay ít.
Ngòi các nhóm múa, trống, cồng chiêng và mặt nạ, tham gia Grong pơsat còn một nhóm những người trình diễn các con rối (Bram). Những con rối mang những chủ đề khác nhau: hoặc thể hiện các con vật như kỳ đà, chim, bướm hoặc thể hiện các cảnh sinh hoạt: giã gạo, sảy gạo, thợ rèn... Và đặc biệt, không thể thiếu được trong Grong pơsat hình những cặp trai gái đang làm tình. Mặc dầu cặp rối làm động tác giao hợp đó có hai nhân vật: nam và nữ, nhưng người Bahnar lại chỉ dùng tên gọi người đàn ông làm tên gọi cho cả cặp rối - Bơnăl. Theo tiếng Bahnar "Bơnal" nghĩa là người đàn ông dâm dục. Nhưng Bơnăl còn là tên một trong những nhân vật chính trong huyền thoại của người Bahnar về những vị tổ tiên đầu tiên của loài người (chúng tôi sẽ đề cập tới huyền thoại này ở đoạn dưới).
Những người đeo mặt nạ (Mêu) và những người trình diễn các con rối (Bram) có thể, hoặc đi đầu đoàn hoặc đi bên chiếc kiệu rước nhà thần, hoặc đi xen kẽ giữa những người đánh cồng chiêng...
Y, trang phục của những người tham dự Grong pơsat thật trang nghiêm và sặc sỡ. Nữ mặc áo váy, đeo vòng lục lạc ở thắt lưng, đeo các vòng đồng hoặc bạc ở cổ, tai và cổ tay; quanh đầu buộc một dải đỏ để giữ tóc. Nam mặc khố dài, đeo lục lạc đồng ở bụng, đầu quấn khăn và cắm lông đuôi chim "Xơ Long" màu đen dài. Theo lời các cụ già người Bahnar, chỉ ở Grong pơsat, đàn ông mới quấn khăn có chiếc lông chim màu đen dài. Nhưng họ cũng không hiểu tại sao lại phải cắm chiếc lông chim lên đầu khi tham dự Grong pơsat.
Tiếng trống, tiếng cồng chiêng chậm rãi, lưu luyến tạo nên không khí trang nghiêm cho buổi lễ bỏ mả. Theo điệu chiêng dành cho ma (Chiêng Atâo), nhóm nữ chậm rãi và uyển chuyển múa điệu múa dành cho ma (Soang Atâo). Mọi người vừa đánh trống, đánh cồng chiêng, vừa múa và từ từ chuyển động đi quanh nhà mả theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Đoàn Grong pơsat cứ thế chậm rãi, trang nghiêm đi vòng quanh một nhà mả (nếu năm đó làng chỉ có một gia đình làm lễ bỏ mả) hoặc vài nhà mả (nếu năm đó có một số gia đình cùng làm lễ bỏ mả cho người thân quá cố). Sau bảy hoặc chín vòng đi quanh nhà mả; Grong pơsat coi như đã làm xong nghi thức của mình. Lúc này, trời đã tối, trăng lên (người Bahnar thường chọn những ngày trăng để làm lễ bỏ mả), các đống lửa đã được đốt lên rực sáng cả khu nghĩa địa và mọi người bắt đầu nướng thịt, nướng những ống cơm, uống rượu cần. Có thể nói, sau Grong pơsat, nghi lễ chính thức của lễ bỏ mả coi như là xong. Từ thời điểm đó, gia đình của người chết hoàn toàn được giải phóng khỏi mọi ràng buộc với người thân đã khuất của mình. Cũng từ thời điểm khi Grong pơsat đi hết vòng cuối cùng, không khí lễ bỏ mả dường như bước sang một không khí mới - không khí của hội. Sau Grong pơsat, trai gái thỏa sức đánh chiêng, nhảy múa, uống rượu cho đến thâu đêm suốt sáng. Giờ đây, các con rối được đem ra trình diễn cho vui chứ không còn mang màu sắc nghi lễ như khi chúng được diễn trong Grong pơsat nữa. Khi ba hoặc năm ngày của lễ bỏ mả chấm dứt, người ta cũng bỏ luôn những cái mặt nạ, những con rối cho chúng mục nát theo ngôi nhà mồ.
Cho đến nay, chưa một nhà khoa học nào lí giải được ý nghĩa của Grong pơsat trong lễ bỏ mả của người Bahnar. Nhà nghiên cứu múa Phạm Hùng Thoan đưa ra một giả thuyết cho rằng, Soang (múa) trong lễ Grong pơsat diễn tả tượng trưng cuộc ra đi của các linh hồn. Nhưng nhận định của ông cũng mang tính suy luận chứ không có cơ sở về mặt cứ liệu. Sau nhiều năm điền dã ở hai huyện An Khê và K'bang (tỉnh Gia Lai, địa bàn cư trú chính của người Bahnar), chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ của múa và âm nhạc cồng chiêng sẽ không thể lý giải được các ý nghĩa ít nhiều mang tính chất diễn xướng của Grong pơsat trong lễ bỏ mả của người Bahnar. Hơn thế nữa, trong khi diễn Grong pơsat, không có ai hát hoặc nói thành lời một câu nào cả. Toàn bộ nghi thức Grong pơsat diễn ra như một vở kịch câm. Chúng tôi cũng đã hỏi không ít những già làng người Bahnar, nhưng không một ai biết Grong pơsat có chức năng hay ý nghĩa gì trong lễ bỏ mả. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, muốn hiểu được vở kịch câm Grong pơsat phải đặt nghi lễ đó vào khung cảnh chung của đám tang, đặc biệt là lễ bỏ mả và quan niệm về cái chết của người Bahnar.
Theo quan niệm của người Bahnar, khi chết, người ta chuyển sang một dạng tồn tại khac - ma (Atâo). Người Bahnar cho rằng, Atâo cũng có cuộc sống hệt như con người: Các Atâo cũng ăn uống, làm việc, lấy vợ lấy chồng, ốm đau và cũng sẽ chết. Nhưng mọi thứ của Atâo đếu khác với của người sống. Ngày của Atâo là đêm của người, Atâo đi giật lùi chứ không đi về phía trước như người, Atâo có hình hài như một cái bóng chứ không có sức nặng và khối cơ thể như của người... Người Bahnar gọi thế giới của người chết là mang lung (nơi tối tăm).
Truyền thuyết của người Bahnar Tơlo kể rằng, xưa kia mang lung của người chết ở núi Lơ Khơng (kông lơ khơng) và bị ngăn với làng của người sống bằng một cái cửa bằng đá ( tơmo khing khớp). Thủa đó, người nhà vẫn có thể đến kông lơ khơng để thăm người thân đã chết. Ví người sống tới thăm người chết đông quá, nên con chuột Kơđut tức giận đốt cháy các làng ma. Sau đó nó còn dâng nước nhấn chìm cả khu kông lơ khơng. Do vậy, Mang Lung phải chuyển về một nơi khác rất xa ở phía tây. Người Bahnar Krem ở huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) thì lại cho răng thế giới của Atâo ở một nơi rất xa. Muốn tới đó, Atâo phải vượt qua biển cả (Dak tơ Sik). Người Bahnar Konkơdeh ở huyện K'bang gọi thế giới của người chết là khu rừng tối tăm (bri)... Mặc dù địa điểm và tên gọi thế giới người chết của người Bahnar có khác nhau ở mỗi nhóm, nhưng cái thế giới của các hồn ma đó bao giờ cũng là một thế giới tối tăm và nằm ngay trên mặt đất chứ không phải ở trên trời, dưới nước hay dưới mặt đất. Sau một thời gian sống ở Mang Lung, Atâo sẽ chết và sẽ biến thành giọt sương (dak ngớp) giọt sương sẽ tan hóa vào đất. Cai quản thế giới Mang Lung là một bà chúa tên là Brôu. Cũng như bà Dung của người Giarai, bà Brôu của người Bahnar không chỉ cai quản người chết mà còn lấy đất nặn ra những đứa trẻ rồi cho chúng nhập vào những phụ nữ có mang.
Như vậy, theo quan niệm của người Bahnar, vòng đời của một người là một chu trình khép kín: Đất - người - ma - đất. Mỗi vòng đời đó gồm hai cuộc đời: Cuộc đời của người sống và cuộc đời của linh hồn người đó sau khi chết. Đối với người Bahnar, hồn người chết không phải là một lực lượng thần bí siêu nhiên đáng sợ mà là một hình thái tồn tại khác của cuộc đời con người. Cho nên, lễ bỏ mả của người Bahnar vừa mang ý nghĩa của một cuộc chia tay giữa người sống và người chết để người sống thì được giải phóng, con người chết thì được bắt đầu sống một cuộc sống khác - cuộc sống của các hồn ma, vừa mang ý nghĩa đánh dấu sự ra đời hay sự hiện diện của một "cá nhân" ở thế giới mới - thế giới bên kia. Mà, xét theo những quan niệm tín ngưỡng nguyên thủy, mọi sự sinh thành đều là kết quả kết hợp của hai giống đực và cái.
Theo tài liệu điều tra mà chúng tôi thu được, người Bahnar có làm những tượng gỗ thể hiện một cách hình tượng sự ra đời của một con người để dựng quanh nhà mả. Ở các nhà mả của người Bahnar, chúng tôi đã nhiều lần gặp những tượng gỗ thể hiện các cảnh : cặp nam nữ đứng đối diện hai bên của nhà mả dùng tay phô bày cơ quan sinh dục của mình, cặp nam nữ đang làm tình, hình người đàn bà chửa, hình người (chính xác hơn là đứa trẻ) ngồi trong tư thế bào thai, hình người mẹ bồng con. Theo suy nghĩ của chúng tôi, tượng mồ của người Bahnar thể hiện cả một quá trình kết hợp đực cái để tạo ra một cuộc sống mới - cuộc sống của người chết ở thế giới bên kia. Toàn bộ nghi lễ bỏ mả của người Bahnar cũng như đỉnh cao của nghi lễ đó - Grong pơsat được diễn ra quanh những tượng gỗ mang tính "phồn thực" vừa nói ở trên. Vậy, Grong pơsat có liên hệ gì hay có mang một ý nghĩa nào đó gần giống như ý nghĩa của các tượng nhà mồ? Chúng tôi cho rằng, cả tượng mồ và Grong pơsat đều cùng mang chung một ý nghĩa : thể hiện sự ra đời của một cuộc đời mới. Tất nhiên, cách thể hiện cũng như hình tượng thể hiện của Grong pơsat khác của những tượng mồ.
Sau khi đã trực tiếp tham dự nhiều lễ bỏ mả ở những địa điểm khác nhau thuộc các nhóm người Bahnar khác nhau, chúng tôi nhận thấy trong Grong pơsat có một vài điểm rất đặc trưng và cũng rất hình tượng. Đó là : vị trí trang trọng và trung tâm của nhóm rước trống (Sơgơr), ngôi nhà thần (Hnam Yang) và những con rối có tên là Bơnăl thể hiện cảnh nam nữ giao hợp. Chỉ ở lễ bỏ mả của người Bahnar (xét trên phạm vi địa bàn Bắc Tây Nguyên) mới có các cảnh Sơgơr, Hnam Yang và Bơnăl. Còn những yếu tố khác như mặt nạ, múa, cồng chiêng,... gần như là những nét chung cho lễ bỏ mả của các dân tộc ở Tây Nguyên. Chính ba yếu tố đặc trưng trên đã giúp chúng tôi lý giải được ý nghĩa nghi lễ Grong pơsat của người Bahnar.
Người Bahnar cho rằng Bok Sơgơr - thần trống là tổ tiên xưa nhất của loài người. Hiện nay, trong các hội lễ lớn, như lễ mở đầu vụ làm nương rẫy, đồng bào Bahnar còn múa điệu múa trống (Soang Sơgơr) để gọi thần sấm về làm mưa. Nhưng chỉ có ở Grong pơsat của lễ bỏ mả, người Bahnar mới làm nghi thức trang trọng rước trống. Một điều đáng lưu ý nữa là : những khi mua trống, các nhạc công Bahnar chỉ sử dụng những chiếc trống nhỏ. Chỉ ở Grong pơsat, người Bahnar mới rước và đánh cái trống lớn (phải dùng từ hai đến tám người khiêng). Qua nhiều lần dự lễ bỏ mả, chúng tôi nhận thấy chiếc trống lớn của Grong pơsat mang ý nghĩa hình tượng và nghi thức nhiều hơn là ý nghĩa của một nhạc cụ.
Như đã trình bày ở phần đầu, trong nghi lễ Grong pơsat, người Bahnar có trình diễn các con rối. Tùy theo hình ảnh chúng được thể hiện mà các con rối được gọi bằng những cái tên khác nhau : rối con chim, rối con bướm, rối người giã gạo, rối người thợ rèn,... Thế nhưng, cặp rối trai gái giao hợp lại không có tên đúng như cảnh chúng thể hiện mà được gọi là Bơnăl. (Theo nghĩa thông dụng thì "Bơnăl" có nghĩa là người đàn ông dâm dục). Thế thì tại sao người ta không gọi cặp rối đang giao hợp kia là những kẻ dâm dục hay đôi trai gái dâm dục hoặc người đàn bà dâm dục mà gọi là "Bơnăl". Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cũng như cái trống lớn, cặp rối nam nữ đang giao hợp trong Grong pơsat của người Bahnar hẳn phải mang một ý nghĩa hình tượng nào đó.
Không còn nghi ngờ gì nữa, hình ảnh chiếc trống lớn (Sơgơr) và hình ảnh con rối có tên là Bơnăl phải gắn với một ý niệm hay một huyền tích xa xưa nào đấy của người Bahnar. Theo chúng tôi, Sơgơr và Bơnăl của Grong pơsat chính là hình tượng hai nhân vật chính trong huyền thoại về tổ tiên đầu tiên của loài người của đồng bào Bahnar. Huyền thoại đó kể lại như sau : "Đầu tiên, vũ trụ là hư vô. Tự nhiên sinh ra hai vị thần : Bok Kơdơi (thần nam) và Ya Konkeh (thần nữ). Hai vị thần lập ra vũ trụ. Kơdơi làm ra mặt trăng, mặt trời, các vì sao. Nữ thần Konkeh dùng cám vắt ra trời đất : bầu trời cong úp lên trên, mặt đất phẳng nằm dưới. Xong, Kơdơi đem treo các tinh tú lên bầu trời. Hai vị thần lấy nhau sinh ra ba người con : một là nữ thần Yạ Pôm ở trên trời, hai người kia (một trai, một gái) xuống đất làm người và được gọi là Yạ, Bok (bà, ông) tức tổ tiên của loài người.
Lúc đầu, mặt đất không có gì cả. Yạ và Bok xin thần Kơdơi các hạt giống để gieo trồng. Hai thần Kơdơi và Konkeh còn sinh ra chim để giúp hai con mình gieo trồng hạt. Từ đó, loài người sinh sôi nảy nở ra ngày một đông thêm.
Trong số những con cháu của hai vị tổ có một người hoang dâm vô độ tên là Bơnăl. Một hôm, gã dùng bùa mê để ngủ với Bia Phu - con gái của vua Rơh. Vua Rơh tức giận giết chết Bơnăl. Bia Phu không chọn được ai vừa ý, bèn lấy ngựa, rồi bị thủng bụng mà chết. Vua Rơh giết chết ngựa lấy lòng ăn, đem da bịt làm trống đánh chơi. Nào ngờ, nghe thấy tiếng trống, mọi người từ già đến trẻ đều nổi máu dâm lên. Vua Rơh bèn ném trống xuống sông cho trôi đi mất tích. Nhưng trống trôi đến đâu, hễ ai vớt lên đánh là mọi người lại lao vào những chuyện tình bậy bạ. Vì vậy, con người càng ngày càng trở nên xấu xa.
Thần Kơdơi tức giận làm đại hồng thủy cho con người chết hết. Có hai anh em nhà kia vì ăn ở hiền lành nên được Kơdơi báo cho biết trước về nạn lụt sắp tới. Hai anh em bèn chui vào một cái trống to để tranh nạn. Hai người còn đem theo vào trống mọi thú vật, mỗi loại một đôi. Sau một tháng, nước rút, hai anh từ trong trống chui ra. Vì không còn ai sống sót, nên hai anh em phải lấy nhau. Họ sinh ra mười tám người con : bảy trai, mười một gái. Dần loài người trở nên đông đúc. Những cặp thú vật cũng ngày càng sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Hai anh em - những vị tổ tiên của loài người sau nạn hồng thủy được gọi là Yạ và Bok Sơgơr (ông và bà Trống).
Một lần, con cháu của ông bà Trống dựng một ngôi nhà cao lớn, nóc chạm tới trời. Khi làm nhà, người anh cả trên nóc chỉ huy. Bỗng một hôm, người anh nói xuống, nhưng không ai hiểu cả. Họ bèn lao nhao hỏi nhau, nhưng cũng không ai hiểu ai nói gì cả. Thế là họ đành phải chia nhau đi các nơi khác để làm ăn. Từ đó mới sinh ra các "dân tộc".
Tuy không diễn bằng lời, nhưng Grong pơsat, theo chúng tôi rõ ràng là mô tả một cách cô đọng huyền thoại về các vị tổ đầu tiên. Những hình ảnh chính của Grong pơsat như chiếc trống lớn (Sơgơr), cặp rối Bơnăl, chiếc nhà thần (Hnam Yang) tương ứng với các nhân vật và hiện tượng tiêu biểu trong huyền thoại. Để khẳng định thêm cho ý kiến vùa nêu trên, chúng tôi sinh đưa ra đây một tư liệu có liên quan tới Grong pơsat của người Bahnar. Tháng giêng năm 1988, chúng tôi được dự một lễ bỏ mả ở Pơlây De Lơk xã Nghĩa An, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và đã thấy một cảnh khá đặc biệt trong khi tiến hành Grong pơsat : hai người đàn ông đeo mặt nạ, vừa đi lại tự do giữa đám các bà và các cô múa, vừa làm những động tác mang tính tình dục trước mặt họ. Phải chăng, đây cũng là một trong những hình ảnh minh họa chuyện tiếng trống gây ra những cảnh xấu xa trong huyền thoại vừa kể ở trên./ sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét