I. Lễ bỏ mả - cái chết được hồi sinh
Đối với hầu hết các dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng trên thế giới, cái chết của con người bao giờ cũng trở thành mối bận tâm hàng đầu. Vì sao người ta chết, cuộc sống của con người sau cái chết như thế nào và những điều khác nữa liên quan đến cái chết luôn là những vấn đề đặt ra đối với mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo… Và tất nhiên, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có cách lý giải, cách ứng sử riêng đối với cái chết của mỗi thành viên trong cộng đồng của mình. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều những công trình kiến trúc vào loại vĩ đại nhất của nhân loại như Kim tự tháp Ai Cập, lăng tẩm các vua chúa thời phong kiến ở Trung Quốc, các lăng của các vua triều Nguyễn Việt Nam ở Huế… đều là những sản phẩm do con người tạo ra để phục vụ cho những con người đã chết. Người Tây Nguyên nói chung và người Giarai, Bahnar nói riêng không nằm ngoài hiện tượng chung mang tính nhân loại đó. Họ cũng có những quan niệm riêng, cách ứng sử riêng của mình đối với cái chết của những người trong cộng đồng.
Như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Giarai và người Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng sau khi chết linh hồn của người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Thế nhưng, theo quan niệm của người Giarai và người Bahnar, linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia, mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ trở lại – tái sinh trở lại – làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Vì vậy, đối với người Giarai và người Bahnar, chết không phải là hết, mà chết chỉ là chuyển trạng thái sống của một cá thể: từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình, để sau một thời gian lại chuyển từ trạng thái siêu hình về trạng thái vật chất. Chính do quan niệm như vậy về cái chết nên con người Giarai và người Bahnar không sợ những người chết (những người chết bình thường hay còn gọi là chết lành) và có cách ứng sử riêng của mình đối với người chết.
Vì tin rằng khi chết linh hồn của người chết sẽ sang sống ở thế giới khác – thế giới bên kia của tổ tiên, nên cả người Giarai, người Bahnar và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên có tục làm lễ bỏ ma (hay bỏ mả) để đưa tiễn linh hồn người chết ra đi hay để chuyển trạng thái sống cho người chết. Chỉ sau lễ bỏ mả đó linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng ràng buộc với người sống, mới thực sự đi đến “quê hương” mới của mình, còn người sống thì mới được giải phóng thực sự khỏi mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, theo quan niệm của người Giarai và người Bahnar, khi hồn của người chết ra đi hẳn về với tổ tiên hay khi người chết đã chuyển sang trạng thái sống khác, thì mối liên hệ giữa người sống và người chết hoàn toàn bị cắt đứt. Do vậy mà người Giarai và người Bahnar không làm đền miếu, lăng tẩm hay bàn thờ vĩnh viễn cho người chết và không có tục thờ cúng tổ tiên sau khi đã làm lễ bỏ ma cho họ. Sau lễ người sống không chỉ không cúng giỗ mà họ còn bỏ luôn cả mả của người chết. Vì thế mà người Giarai và người Bahnar gọi buổi lễ đó là lễ bỏ mả.
Dù có quan niệm về cái chết thế nào đi nữa, đã là người thì khi đồng loại và nhất là người thân chết, ai mà không tiếc không thương. Sự tiếc thương đối với người chết không chỉ biểu lộ qua sự đau đớn mà còn qua các nghi thức tang ma. Mặc dầu biết rằng, sau khi chết người chết sẽ phải ra đi sống ở thế giới khác, người Giarai và người Bahnar vẫn không cho người chết đi ngay mà giữ họ lại với mình một thời gian cho đỡ nhớ, đỡ thương. Trong thời gian giữ người chết ở lại (người Giarai và người Bahnar gọi là giữ ma hay giữ mả), gia đình ngày ngày phải đem cơm nước tới mả cho người chết ăn uống, đốt lửa cho người chết được ấm, quét dọn mồ mả của người chết cho sạch. Và tất nhiên thời kỳ giữ người chết ở lại là những ngày tháng người sống có thể “tâm tình” với người chết. Chỉ đến khi cảm thấy đỡ nhớ thương và đặc biệt đã chuẩn bị đủ điều kiện vật chất thì những người thân trong gia đình và làng xóm mới làm lễ bỏ mả cho người chết để linh hồn người chết ra đi về thế giới tổ tiên và để người sống được tự do. Từ thời điểm sau lễ bỏ mả ấy , “âm”, “dương” hoàn toàn cách biệt, không còn ràng buộc và liên hệ gì với nhau nữa.
Vì thế, đối với người Giarai và người Bahnar, lễ bỏ mả là nghi lễ tiễn đưa linh hồn người chết ra đi về thế giới của mình để sống, hay nói một cách hình tượng là, nghi lễ bỏ mả là nghi lễ làm cho người chết hồi sinh nhưng ở một trạng thái khác. Không phải ngẫu nhiên mà những hình tượng kiến trúc và điêu khắc (nhà mồ, tượng mồ), những hình thức trình diễn (mặt nạ, rối, múa) và nhiều hoạt động khác (ăn uống, hát giao duyên, trai gái tâm tình..) ở lễ bỏ mả thể hiện nhiều hình ảnh của sự sinh thành, của quá trình hình thành ra một sinh linh mới (về điều này chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở phần tiếp sau). Do đó có thể nói, lễ bỏ mả chính là lễ hội làm cho người chết hồi sinh và là hình thức biểu diễn bằng nhiều hình thái sinh hoạt nghệ thuật thể hiện quan niệm về cái chết của người Giarai và người Bahnar: chết là chuyển sang một trạng thái hay thế giới khác để rồi sẽ trở lại về cuộc sống con người. Dưới đây chúng tôi xin trình bày chi tiết hơn quan niệm về cái chết cũng như cách thể hiện quan niệm đó ở hai dân tộc: Giarai và Bahnar.
Người Giarai cho rằng, khi sống mỗi người đều có hồn (m’ngăt) và khi chết, thì hồn của người chết lập tức biến thành ma (atâo). Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả mà người Giarai gọi là ăn bỏ mả hay ăn bỏ ma (huă lui pơsat hay huă lui atâo) hồn ma của người chết vẫn ở lại nghĩa địa chứ chưa đi.
Trong thời gian giữ ma hay giữ mả (rak Atâo hay rak pơsat), gia đình ngày ngày đem cơm nước đến nhà mồ cho ma ăn uống, đốt lửa cho ma sưởi ấm, quét dọn nhà mồ cho ma, khóc và tâm tình với ma. Khi đã có đủ điều kiện vật chất, người nhà mới tiến hành làm lễ bỏ mả tiễn đưa hồn ma đi về với tổ tiên ở thế giới bên kia.
Thế giới bên kia hay làng ma (buôn Atâo) là một nơi tối tăm xa xôi ở đâu đó phía tây (hoặc ở trên mặt đất hoặc ở dưới mặt đất). Người Giarai Mdhur ở huyện Krông Pa và Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) kể rằng làng ma hay làng ông bà (pơlơi ơi ja) nằm ở trong một cái hang ở phái tây và do hai chị em là bà Tung và bà Tai cai quản. Truyền thuyết còn kể là xưa kia, bà Tung cho phép người sống tới gặp tổ tiên của mình. Thế nhưng về sau thấy người sống tới quá đông, thần Kơdei bèn dùng một cây to bịt cửa hang lại. Từ đó, hai thế giới trở nên hoàn toàn cách biệt. Ở thế giới hay làng ma đó, linh hồn những người chết cũng phai làm ăn sinh sống như người sống và cũng phải chết. Khi chết hồn ma (Atâo) biến thành con nhện. Bà Tung thả con nhện lên mặt đất. Nhện chết biến thành giọt sương (ia nguôm) rồi tan hòa vào đất. Cũng theo những truyền thuyết mà chúng tôi sưu tầm được ở người người Giarai Mdhur, bà Tung không chỉ được thần tối cao Kơdei chọn làm vua (pơtao) cai quản thế giới người chết sau khi thần bắt còn người phải chết và lập ra làng ma, mà còn giao cho bà công việc tạo ra những sinh linh mới bằng cách cho các linh hồn trở lại mặt đất nhập vào những đứa trẻ mới sinh ra. Trong truyền thuyết về bà Tung, có một chi tiết mang tính tượng hình khá đặc biệt: khung dệt. Truyền thuyết kể rằng, ngày ngày bà Tung ngồi bên khung dệt để dệt tấm vải của thế giới con người. Mỗi sợi chỉ là một số phận khác nhau của từng con người do bà tạo ra. Khi ai đó chết thì sợi chỉ số phận của người đó đứt, và bà Tung gỡ sợi chỉ đó ra khỏi tầm vải. Còn khi một sinh linh nào mới ra đời, bà lại đan thêm một sợi chỉ vào tấm vải.
Quan niệm về cái chết cũng như thế giới người chết của người Gia Rai M'thur có nhiều nét giống với quan niệm của người Êđê. Người Êđê cho rằng khi ai đó chết thì hồn ma (m'ngăt) biến thành ma (atâo): Sau lễ tang hồn vẫn sống lang thang ở nghĩa địa và được gia đình nuôi cho ăn uống. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, hồn mới được về làng ma (buôn atâo) do vợ chồng Băng Bơ Đung, Băng Bơ Đai cai quản. Ở làng ma đó, hồn sống và làm việc như người sống. Sau khi chết hồn sẽ biến hóa 7 lần rồi trở thành giọt sương "hồn". Giọt sương trở lên mặt đất, nhập vào đứa trẻ sơ sinh là con cháu thuộc dòng máu của hồn trong lễ đặt tên, nhập hồn cho đứa bé.
Để cho hồn tổ tiên, sau khi được bà Tung cho lên mặt đất qua giọt sương và đã tan vào đất, có thể thành người được, người Giarai và Êđê đều phải làm lễ nhập hồn và đặt tên cho đứa trẻ mới sinh. Trong lễ đặt tên, nhập hồn, người nhà phải làm một mâm cúng gồm một chén rượu, một con gà nhỏ, một quả cà, một củ gừng, là nứa và một giọt sương lớn. Sau khi thầy cúng khấn xong, bà đỡ cầm quả cà chấm vào giọt sương, đưa gần miệng đứa trẻ và đọc tên tổ tiên trong dòng họ của đứa trẻ. Tới tên nào mà đứa trẻ thè lưới ra liếm giọt sương thì nghĩa là hồn của vị tổ tiên đó đã nhập vào cháu và cháu bé mang luôn cái tên ấy.
Tuy có quan niệm gần như thống nhất về cái chết và chu trình khép kín của linh hồn người chết, nhưng có nơi, có nhóm tộc người người Giarai lại hình dung ra thế giới người chết hơi khác một chút. Ví dụ người Giarai Arăp ở xã Ia Mnông, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) làng tổ tiên nằm ở phía mặt trời lặn (hrơi Leh) và do một chủ làng có con chim Ó to (tuk tui) và phó trưởng làng có con khỉ gió (kra le) cai quản. Sau khi hồn ma chết sẽ biến thành người tí hon (djạ ngai) và xuống sống ở nơi tận cùng của đất (luých t'nah) dưới nơi tận cùng của đất là nước (ia), nơi cai quản của rồng (Prao), rồi những người tí hon tổ tiên đó mới lên mặt đất để nhập vào những đứa bé mới sinh ra để trở lại làm người. Quan niệm này của người Gia Rai Arap rất gần với truyền thuyết "hang Ađrênh" của người Êđê nói về nguồn gốc con người là từ những người từ trong lòng đất chui lên qua hang Ađrênh. Truyền thuyết "sự tích người Êđê" như sau: "chuyện từ dời ông bà xưa kể lại rằng: người Êđê vốn ở chui sâu trong lòng đất. Thủa ấy, chưa ai biết nấu cơm rượu, chưa ai biết dệt chăn, dệt khố...
Cai quản trên mặt đất là thần Pô Lăn. Thấy người Êđê ăn ở khổ quá, thần mới bảo con trai là Pô Epik:
- Con phải tới với họ, dạy họ cách nấu ăn, làm rượu uống mới được! bảo họ là ta sai con tới đó!
Pô Epik theo lời, chàng tìm đến hang sâu nơi người Êđê đang ở nhi nhúc như đàn kiến bầy mối. Chàng chỉ vẽ cho họ cách nấu cơm. Người ta nấu cơm ăn thấy ngon hơn, vui bụng lắm. Kế đó chàng bày cho họ cách làm rượu. Lấy củ gừng cay làm men, ủ với cơm nhão, để lâu thành rượu. Lúc hội hè vui mừng, họ có khách đông tây vào thăm viếng, mang rượu ra mời uống... càng thêm quý, thêm vui. Rượu còn cúng các thần linh để cầu may, cầu phúc...
Nhưng uống mãi thành quen, uống nhiều quá đâm ra say sưa, bê bết, đau ốm, bệnh tật. Bấy giờ người ta mới lo nghĩ và oán trách kẻ đã bầy cách nấu rượu, uống rượu. Người ta bèn cùng nhau đánh đuổi chàng Pô Epik, nhưng chàng trai chui vào một cái hang nhỏ sâu. Mọi người thôi không đuổi chàng nữa. Vừa lúc đó một con nai lớn chạy qua. Mọi người đuổi bắt được con nai đem thịt nướng ăn. Ăn xong, ai nấy đèu khát nước và đổ đi tìm nước uống. Trên đường đi tìm nước uống, mọi người mới phát hiện ra nơi họ đang đứng là mặt đất mênh mông có sông suối, cây cỏ, có đủ loại chim thú...
Ăn xong no nê, chè chén xong, mọi người mới trở về nơi chốn xưa của mình. Về tới nơi, họ kể chuyện đã nhìn thấy cho Mtao nghe. Mtao nghe thấy lạ bèn sai người đưa mình đến coi thử. Được nhìn thấy mặt đất giàu có, trù phú và đẹp, Mtao trở về nói với mọi người: - ta đã lên trên kia, thấy trên đó rất đẹp, rất hay. Trời sáng nhìn gì cũng rõ, có đủ thứ: núi rừng, cây cỏ, sông nước... Chúng ta hãy cùng nhau lên trên đó thôi!
Nghe Mtao nói vậy, mọi người ai nấy đều ham đi ngay. Mấy ngày sau Mơtao dẫn mọi người lên mặt đất để sống. Đường lên đã chật hẹp, tối tăm lại thêm con trâu của Y Rít sừng dài, cánh ná cứ ngênh ngang chắn lối đi, thành thử khi lên khỏi hang, nhiều đoàn người lạc nhau. Dẫn đầu là bộ tộc Ayun, thứ tới Êban, sau tới các họ như Mlô, Hdruê, Kbnor, Buôn Ya... Lên mặt đất sau cùng là bộ tộc Niê Kdăm.
Cái hang mà người Êđê lên khỏi lòng đất đó là cái hang Bang Adrên, gần Buôn Chuê".
Dù có những biểu hiện khác nhau trong cách mô tả và các hình tượng nhưng trong quan niệm về cái chết người Giarai và Êđê vẫn toát lên cái cốt lõi chung là: chết chỉ là chuyển sang trạng thái sống từ cuộc sống của con người sang cuộc sống của các tổ tiên trong lòng đất rồi các tổ tiên lại trở về mặt đất để thành người. Mà khâu chuyển tiếp để làm cho người chết sinh thành sang thế giới bên kia là lễ hội bỏ mả.
Cũng như người Giarai, Bahnar cho rằng, mỗi người khi sống đều có hồn (m'ngol hay ngol) và hồn ở mỗi người, mỗi lứa tuổi mạnh yếu khác nhau. Những hồn yếu dễ bị lạc, dễ bị các thần hay ma bắt dữ đi, nên người có hồn yếu thường hay bị ốm đau, người nhà phải mời thầy bói (pơjâo) đến bói xem hồn người ốm ở đâu rồi gọi hồn về. Dù hồn mạnh hay hồn yếu thì khi người chết hồn lập tức biến thành ma (Atâo) để sau khi được làm lễ bỏ mả về bên kia sống với tổ tiên. Thế giới bên kia của các hồn ma là gì và ở đâu, các nhóm Bahnar quan niệm rất khác nhau. Người Bahnar Krem ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) cho rằng thế giới của các ma hay tổ tiên ở trên núi Kaking và gọi nơi đó là rừng ông bà (bri jạ bri bok). Khu rừng ông bà đó nằm ở đau đó phía mặt trời lặn (nar mứt). Trong khi đó, người Ba Na Tơlo ở huyện An Khê và huyện Công Chơro (tỉnh Gia Lai) thì lại quan niệm thế giới tổ tiên là nơi tối tăm (mang lung) nằm ở đâu đó rất xa về phía tây. Người Bahnar Tơlo còn kể lại rằng, ngày xưa mang lung nằm ở trên núi Lơ Khơng (Kông Lơ Khơng), chỉ bị ngăn cách với làng xóm của người sống bằng cái cửa đá (tơmo khing khớp) và người của hai thế giới vẫn trông thấy nhau. Những người sống vẫn có thể tới Kông Lơ Khơng để thăm hỏi những người thân của mình đã khuất. Vì được đi lại tự do, người ta đi quá nhiều và ở lại với người chế qua lâu nên công việc nương rẫy bị bỏ. Thấy cảnh tượng như vậy, con chuột không đuôi khỏ mạnh kơđút tức giận, nổi lửa đốt cháy các làng và dâng nước nhấn chìm hết làng xóm của người và sau đó rời làng của người chết đi một nơi khác rất xa về phía tây. Từ đó trở đi không những người chết không tới được mang lung mà các atâu tới đó cũng không phải dễ. Vì thế, chỉ sau khi được người sống làm lễ bỏ mả, Atâu mới có đủ lương ăn đi đường mới có con gà trống mà người thân cho để cưỡi mới có thể đi tới được nơi ông bà tổ tiên. Đến tới cửa đá (tơmo khing khớp), atâu phải khai tên tuổi, làng xóm và tên những người thân đã chết từ trước rồi mới được đưa đi gặp vua cai quản thế giới Atâu (Atâo brâo) là bà Bia Brâu sáu tai hung dữ để bà đưa về làng mà atâu sẽ sống ở đó. Ở mang lung hay thế giới bên kia của atau (dêh Atâu) cũng có làng mạc và các atâu cũng sống như khi là người người sống, nghĩa là cũng phải đi làm, cũng ốm đau và cũng chết. Nhưng ở thế giới của các ma, mọi thứ đều gần như ngược lại so với ở thế giới người sống: đẹp là xấu, ngày là đêm, vỡ là lành, cùn là sắc...Vì thế, khi chia của cho người chết hôm làm lễ bỏ mả, người Bahnar phải làm cho các thứ ngược hẳn lại: đập vỡ các ghè rượu, làm cùn dao cuốc, cắm ngược cầu thang...
Cũng giống như quan niệm của người Giarai và Êđê, người Bahnar cho rằng, Atâo không vĩnh viễn sống mãi ở thế giới bên kia mà cũng chết, biến thành giọt sương nhỏ để rồi tan vào đất. Thậm chí, có những Atâu, trước khi thành giọt sương, còn phải chết đi chết lại đến bảy lần. Người Bahnar có cả một bài văn nói về các kiếp của những hồn ma thuộc dạng "trầm luân" này như sau:
"Bơgai lôêch djng kiek
Kiek đe bek djng char
Char lôêch djng cho kwei
Cho kwei loêch djng kơne
Kơne de bu sa djng kơdut
Kơdut lôêch djng dak ngớp dak ngơm"
nghĩa là: "Người (ma của người) chết thành hổ
Hổ bị đâm chết hóa thành mèo rừng
Mèo rừng chết hóa thành chồn
Chồn chết hóa thành cheo
Cheo chết hóa thành chuột
Chuột bị người ăn, chết hóa thành chuột dũi
Chuột dũi chết hóa thành sương mù"
Vì đường đến mang lung xa và khó, nên các Atâu còn yếu ớt của nhứng đúa trẻ chết thường không thể đi đến được mang lung. Các Atâo trẻ em đó biến luôn thành các giọt sương nhỏ. Cũng chính vì thế mà khi làm lễ bỏ ma người Bahnar Krem phải căn dặn các hồn ma:
"E năm truh yă bri bok
Mok asuôr ne oei ane t'rong
Among kông hli kiek sa".
nghĩa là: "Hãy đi ngay tới rừng ông bà
Đừng có dừng lại ở mép đường, giữa núi
Mà cọp, thú sẽ ăn thịt".
Cũng như người người Giarai, Êđê... khi đứa trẻ ra đời được ít ngày, người Bahnar có làm lễ đặt tên cho con. Tuy không làm lễ cầu kì, nhưng cha mẹ phải chọn cái tên cho đúng với hình dáng, tính tình của đứa bé. Có lẽ hình ảnh sống động và phản ánh đúng tục đặt tên cho trẻ của người Bahnar là đoạn mô tả việc đặt tên cho năm anh em Đăm Noi trong trường ca (H'mon) Đăm Noi: "Năm đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ, cuống rốn dính nhằng nhịt vào nhau, đứa nào cũng khóc, đòi cha mẹ đặt tên... Thấy các con khóc đòi đặt tên, Bia Rắc dỗ: - Mẹ biết lũ mày đòi đặt tên chứ gì? Này đứa ra trước, đứa cắt rốn đầu của mẹ, mẹ muốn gọi tên con là Yung.
Vừa được mẹ cho đúng tên, Yung vụt nhỏm dậy chạy xuống cầu thang, chạy sang nhà rông.
Đứa tiếp theo vẫn khóc không dứt, đặt tên này không ưng bụng, tên kia không vừa ý. Bia Rắc nói: - Để mày xứng với anh cả, gần với anh lớn, mẹ đặt tên mày là Yang Yol.
Yang Yol đứng dậy cao lớn, mắt rực sáng...Rồi nó cười và đi ra nhà rông, rất vui vì mẹ đặt tên là Yang Yol..."
Các tên mà người Ba Na dùng để đặt cho con cái thường là giống hoặc gần với tên của tổ tiên ông bà hoặc các nhân vật trong thần thoại và truyện cổ để ước mong con cái mình được như vậy. Việc tìm tên cho đúng với đứa trẻ của người Ba Na về cơ bản rất gần với quan niệm đặt tên cho trẻ của một số tộc người Môn - Khmer khác ở Tây Nguyên. Ví dụ xưa kia khi đứa trẻ ra đời được từ hai, ba tháng đến một năm, người M'nông làm lễ đặt tên (mosak) cho bé. Để có được tên cho đứa trẻ, người nhà mời thầy bói (bu pol) hoặc thầy cúng (bu n'hum) đến tìm tên. Người thầy cúng hoặc thầy bói năm mơ thấy tổ tiên nào, sẽ đặt tên cho đứa bé cái tên gần với tên của vị tổ tiên đó. Trước khi nhập vào giấc mơ, thầy cúng hoặc thầy bói giết gà cúng, lấy rượu hòa với tiết gà rồi bôi tiết gà hòa rượu đó lên một hòn đá nhỏ. Xong thầy đặt hòn đá lên bát gạo, thắp một ngọn đèn sáng, rồi đi ngủ. Trong lúc đó,bố đứa trẻ lấy một hòn than đem bọc bông gòn ra ngoài rồi vừa phun nước vào hòn than vừa lẩm nhẩm đọc tên các vị tổ tiên. Đọc xong tên các vị tổ tiên nhà mình, ông bố đem đặt hòn than vào chỗ để các đồ đạc. Khi thầy cúng hay thầy bói thức dậy, ông sẽ nói ra một cái tên. Nếu cái tên mà trùng với tên của một vị tổ tiên nào đấy của gia đình thì cái tên đó sẽ là tên của đứa bé. Nếu sau khi đặt tên, đứa bé vẫn ốm yếu thì có nghĩa là đặt tên chưa đúng và phải mời thầy đến đoán lại. Còn trong trường hợp, khi đứa trẻ sinh ra đã có một dấu vết nào đó như vết chàm, nốt ruồi...giống của một vị tổ tiên nào đấy thì nghiễm nhiên đứa bé có cái tên của vị tổ ấy rồi chứ không cần phải làm lễ tìm tên nữa.
Như vậy là, cả người Giarai và Bahnar cũng như nhiều tộc người khác trên Tây Nguyên đều có một quan niệm khá chung và thống nhất là chết không phải là hết mà chỉ là sự tái sinh để sống ở một thế giới khác để rồi sẽ trở về làm người. Nếu nhìn về mặt biều hiện qua các sự kiện và hình tượng thì có thể thấy trong quan niệm về cái chết và sự sống của người Giarai và Bahnar cũng như của nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên một chu trình khép kín: Đất - người - ma - đất. Chu trình này lấy đất làm khâu chuyển tiếp để thể hiện ý niệm về sự tuần hoàn liên tục của một con người đi rồi về từ thế giới người sang thế giới ma và ngược lại theo công thức: Người - ma - người.
Vì có quan niệm rất nhân văn và khá đặc biệt như vậy về cái chết, nên người Tây Nguyên nói chung, người Giarai và Bahnar nói riêng không sợ người chết và cũng không thờ phụng tổ tiên như rất nhiều tộc người khác trên thế giới. Ở người Giarai và Bahnar, trong làng, trong các gia đình không có nơi thờ tổ tiên và không có tục cúng giỗ. Thế nhưng, vì quan niệm chết tức là chuyển trang thái của cuộc sống từ một thế giới vật chất sang một thế giới hoàn toàn trừu tượng, nên người Giarai và Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên có tục lệ làm lễ bỏ mả cho người chết để người chết thanh thản về thế giới bên kia và cũng để giải phóng cho người sống khỏi ràng buộc với người chết. Do đó có thể nói, lễ bỏ mả của người Giarai và Bahnar cũng như của nhiều tộc người khác trên Tây Nguyên là làm lễ hội cho người chết hồi sinh để bắt đầu sồng lại ở một trạng thái khác, ở một thế giới khác. Ý niệm "hồi sinh" về cái chết của người Giarai và Bahnar được thể hiện khá đầy đủ và chi tiết qua những hoạt động và những biểu hiện nghệ thuật mang tính "phồn thực" ở lễ bỏ mả. (còn nữa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét