Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Lễ bỏ mả-Lễ hội đặc thù của Tây Nguyên

Xin trân trọng gới thiệu cùng bạn đọc.(tiếp theo phần I)

II. Lễ bỏ mả - Người sống được giải phóng
Tuy không sợ những người chết, không có tục thờ phụng tổ tiên đã khuất, người Tây Nguyên nói chung và người Gia Rai và Ba Na nói riêng, sau khi tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về thế giới bên kia, đều có những nghi thức giải phóng mình khỏi những ràng buộc với người chết. Bởi vậy, trong tang tục của người Tây Nguyên, bao giờ bên cạnh lễ tiễn đưa linh hồn người chết ra đi cũng đều có lễ giải phóng cho người sống khỏi mọi rang buộc với người chết. Mặc dầu mục đích thì chung, nhưng mỗi dân tộc Tây Nguyên lại có cách thể hiện nghi lễ đó theo kiểu riêng của mình.
Cũng như nhiều tộc người khác trên Tây Nguyên, người Giẻ - Triêng cho răng mỗi người sống đều có hồn (phol) nằm tít trong lỗ tai. Khi người nào đó chết, hồn biến thành ma (trol, tpol) bay ra khỏi xác. Khi ra khỏi xác, hồn ma đó sẽ hóa thành chim té hoặc chim king kang bay về với tổ tiên ở những hang đá tại vùng quê cha đất tổ ở vùng Hiên, Giằng (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Vì tin như vậy nên người Giẻ Triêng chỉ giữ mả một thời gian ngắn rồi làm lễ bỏ mả (thường vào mùa xuân - trước lúc bước vào mùa gieo trồng). Vào ngày làm lễ bỏ mả, người nhà thịt trâu, bò, lợn, đem rượu ra cúng, ăn uống tại khu nghĩa đại. Mọi người đốt lửa, ăn uống, chia tay với người chết rồi ra về. Từ sau hôm bỏ mả, người thân trong gia đình coi như không còn gí ràng buộc với người chết nữa và bỏ luôn cả ngôi mộ của người chết cho nắng mưa, cây rừng hủy hoại. Không chỉ đến hôm làm lễ bỏ mả mà ngay vào đầu tháng hết kiêng kị sau khi chôn người chết (ngày thứ 11 sau khi chôn) người Giẻ Triêng đã làm lễ cắt đứt quan hệ với người chết. Trong lễ này người ta đan một tấm phên nhỏ, xếp lá có gai lên, rồi để lên đó ít gan gà, thuốc hút... Mục đích của lễ cúng hôm hết kiêng là mời hồn người chết về ăn để nhắc nhở là hồn hãy ở lại nghĩa địa, không được về làng nữa và nếu về thì sẽ bị mắc gai như hồn đã bị mắc gai như khi về ăn lễ cúng hết kiêng này.
Người Brâu ở huyện Đăc Tô (tỉnh Kon Tum) tin rằng, khi còn sống, mỗi người đều có một hồn (phao) nằm ở đỉnh đầu. Và khi chết, hồn đó sẽ bay khỏi xác, biến thành ma (Ka đôk) để đi xuống sống ở một cái hố dưới đất (mo nalok) nơi cai quản của thần dưới đất (Yang Taneh). Bởi vậy, khi có người chết, người Brâu đem xác chôn vào rừng và làm ngay lễ cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ giữa người sống và người chết. Để ma người chết không thể về làng được, người Brâu đào quanh mộ người chết bốn hố sâu và làm luôn nghi lễ vĩnh biệt người chết bằng cách đem cho người chết ché, chiêng gùi, rìu, nỏ...lấy rượu hòa tiết gà đem vẩy quanh mộ rồi đọc những lời cúng vĩnh biệt. Sau hôm chôn đó, người thân trong gia đình bỏ luôn mả và không hề cúng bái gì nữa. Từ hôm đó trở đi, người sống coi như hết tang và tiếp tục cuộc sống của mình như thường lệ.
Nếu so với hai tộc người Brâu, Giẻ - Triêng thì người Xơ Đăng (Xơdang) không chỉ có dân số đông hơn nhiều (khoảng 60.000 người) mà còn sống phân bố rộng hơn (trong các huyện Đăc Tô, Sa Thầy, Đăc Glây, Công Plông và thị xã Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum); huyện Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và huyện Sơn Hà tỉnh Bình Định). Thế nhưng trong phong tục tang ma của người Xơ Đăng vẫn có nhiều nét giống người Giẻ - Triêng và người Brâu, những láng riềng của mình.
Theo quan niệm của người Xơ Đăng, mỗi người khi sống đều có một hồn (mhoar). Nhưng khi chết thì hồn của người chết sẽ biến thành ma (keak). Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả, hồn ma người chết vẫn ở tại nhà mả (hnghe keak) trong khu nghĩa địa (ilàng keak - nghĩa là rừng ma). Vì thế, trong thời gian này, hàng tháng gia đình đem rượu, gà lợn ra nhà mả cúng cho người chết. Đến ngày bỏ mả, người nhà và dân làng mới làm lễ cúng lớn, những nhà giàu có thể thịt cả trâu hoặc bò. Hôm lễ bỏ mả, người ta đào một lỗ lớn từ bên ngoài nhà mồ đến quan tài rồi gia chủ lấy tim gan con vật cúng cho vào lỗ mới đào đó để cúng cho người chết.Cúng xong, người ta lấp cái lỗ lại, rồi mọi người cùng ăn uống đến tận tối mới ra về. Từ sau ngày bỏ mả người nhà được hoàn toàn tự do và không còn quan tâm gì đến mả của người chết nữa.
Để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết, người M'nông ở tỉnh Đắc Lắc có nghi lễ gọi là cắt hồn (răt phan hay lơi phan). Nghi lễ này thường được tổ chức sau ba năm kể từ khi chôn người chết. Sau lễ Rắt phan, người thân trong gia đình mới thật sự hết tang, mới hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với người chết. Không chỉ ở lễ Răt phan, mà ngay khi đem chôn người chết, người M'nông cũng làm một loạt các nghi thức để cắt đứt mối quan hệ giữa người sống và người chết. Sau khi chôn cất người chết xong, nghĩa là đã đắp mộ và làm nhà hồn (jây phan), chủ nhà cầm sợi chỉ nối từ ngực người chết dưới mộ lên mặt đất và đọc lời nhắn: "anh (chị ...) ở lại, chúng tôi về". Khi chủ nhà nhắn xong, mọi người quay đầu, cầm sợ chỉ và chạy, không ngoài cổ lại nhìn vì sợ người chết đi theo. Một lát sau thì sợi chỉ đứt, và khi đó mọi người ra suối tắm rửa, giặt rũ rồi mới về nhà. Đến nhà, mọi người đốt lên một đống lửa trước cửa để bước qua trước khi vào nhà ăn uống.
Như một số dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ê đê tỉnh Đắc Lắc cũng làm lễ bỏ mả để tiễn đưa hồn ma (atao) của người chết về buôn atao (làng ma) của nữ thần Băng Đơ Đung và để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Lễ này được tiến hành từ sau một đến mười năm kể từ sau khi chôn cất người chết và thường kéo dài hai ngày. Ngày đầu, mọi người làm nhà mổ mới, dựng cột kút, cột klao mới. Sau khi đã dựng xong nhà mồ mới, cột kút mới và cột klao mới và sau khi đã làm xong mọi thứ như đồ cúng, đồ ăn..., người thầy cúng đến ngồi bên chén rượu hướng mặt về phía đông, khấn: "Ơ hồn! người đã chết như lúa nát. Mọi chuyện đều đã xong. Hồn ở miền đất khác, uống dòng nước khác rồi! Bây giờ! bỏ nấm mồ này, xin vĩnh biệt. Ngọn lửa đã đốt lên. Rượu cúng đã bày sẵn. Cây chuối đã trồng, con gà đã thả bay đi rồi... Bố mẹ cúng lần cuối này thôi! Vĩnh biệt!" Sau khi thầy cúng cúng xong, mọi người ngồi ăn uống ngay tại khu nghĩa địa. Đêm hôm đầu ấy là đêm vui hoàn toàn với mọi người và mọi kiêng cữ không còn nữa. Người ta ăn uồng, nhảy múa, trò chuyện. Còn thanh niên nam nữ thì hát đối đáp giao duyên... Ngày hôm sau, người ta thịt heo, nhà giàu thì mổ trâu, đem rượu bày la liệt... Mọi người cùng ăn uống với nhau, vui chơi nhảy múa suốt ngày.
Mặc dầu khá nhiều dân tộc ở Tây Nguyên có lễ bỏ mả, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có lễ bỏ mả của hai tộc người Gia Rai và Ba Na  là lớn nhất, dài ngày nhất và cũng mang tính nghệ thuật nhất. Vì thế, để hiểu rõ ý nghĩa "giải phóng" của nghi lễ độc đáo này của Tây Nguyên, chúng tôi xin trình bày kỹ hơn và sâu hơn về lễ hội của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na. Ngoài ra trong phần tiếp sau, chúng tôi sẽ còn khảo tả và phân tích lễ bỏ mả của một nhóm Gia Rai và Ba Na mà chúng tôi có tài liệu hơn cả.
Công việc đầu tiên của lễ bỏ mả ở người Gia Rai và Ba Na là làm nhà mả. Trước lễ bỏ mả mười ngày, thậm chí cả tháng trời, dân làng lập ra những đội đi vào rừng đẵn gỗ, chặt tre, cắt cỏ gianh đem về khu nghĩa địa. Gỗ được chặt về làm nhà mả đều là những gỗ tốt và dược quy định từng loại dùng vào việc gì: các loại gỗ cứng được dùng làm cột nhà mả, những loại gỗ mềm dùng để chạm khắc các hình trang trí... Khi gỗ, tre, nứa đã dược đem về đủ, già làng phân chia mọi người thành từng nhóm: nhóm đẽo cột, nhóm đẽo tượng, nhóm làm khung nhà và nhóm phục vụ ăn uống. Làm nhà mả là công việc của đàn ông. Phụ nữ chỉ tham gia phục vụ cơm nước cho những người làm nhà mả. Công việc làm nhà mả được tiến hành ngay tại khu nghĩa địa. Suốt ngày tiếng chặt gỗ, đẽo gỗ rộn vang cả khu nghĩa địa gần làng.
Nhà mả to hay nhỏ, có tượng và cột trang trí hay không được quy định bởi mức độ to nhỏ của lễ bỏ mả. Nếu lễ bỏ mả có ăn trâu thì nhà mả sẽ có nhiều cột trang trí và tượng. Nếu lễ bỏ mả ăn bò thì số cột trang trí và số lượng tượng ít đi... Ví dụ, theo quy định của người Gia Rai, nhà mả có cột kút (bơxat kut) hoặc nhà mả đực (bơxat tơlo) hay nhà mả hai tâng mái (bơxat giép) là những nhà mả của lễ bỏ mả ăn trâu. Còn đối với người Ba Na, chỉ lễ bỏ mả ăn trâu mới có nhà mả rông (bơxat rông); lễ bỏ mả ăn bò thì có nhà mả mái đan (bơxat tanh mắt)...
Mặc dầu lễ bỏ mả của từng gia định như ở người Ba Na hoặc của cả nhóm gia đình của người người Gia Rai (người Gia Rai có tục chôn chung), nhưng việc làm nhà mả cũng như lễ bỏ mả bao giờ cũng là công việc chung của cả làng. Gia chủ chỉ phải đóng góp một phần để nuôi thợ và người làm nhà mả chứ không được tham gia làm. Hình giáng, kiểu cách và các hình trang trí nhà mả đều do những người làm nhà mả quyết định và đã được luật tục quy định.
Khi mọi bộ phận của nhà mả đã làm xong, mọi người định ngày để làm lễ dựng nhà mả. Ngày dựng nhà mả đồng thời cũng là ngày bắt đầu của lễ bỏ mả. Mặc dầu mỗi nơi tổ chức ngày này có khác, ví dụ một số nhóm Ba Na làm lễ dựng nhà khá công phu và chia thành hai ngày: ngày dọn dẹp và ngày dựng nhà mả; còn người Gia Rai thì tổ chức ngày dựng nhà mả hệt như các lễ dựng nhà mới; nhưng ngày đầu tiên này bao giờ cũng là ngày chuẩn bị mọi ths cho ngày vào hội hôm sau. Vào ngày dựng nhà mả, gia đình và dân làng còn phải chuẩn bị đủ củi, đuốc và nước để uống rượu cần, còn phải đem hết các của cải chia cho người chết ra nhà mả và còn phải dắt những con vật (trâu, bò...) sẽ ăn thịt và những hôm lễ bỏ mả ra khu nhà mả để buộc và những cột gâng phía sau nhà mả. Tất cả mọi việc đều có nahi lễ kèm theo: lễ cúng làm xong nhà mả mới, lễ chía cho người chết, lễ chuyển giao những con vật cho người chết... Vì thế, tuy chưa phải ngày lễ chính thứ của lễ bỏ mả,ngày dựng nhà mả đã nhộn nhịp, tấp nập và vui vẻ như ngày hội rồi. Suốt ngày, suốt đêm hôm đó, cả làng đều đổ ra khu nhà mả để làm giúp, để vui chơi và ăn uống.
Theo lời các cụ già người Gia Rai và Ba Na, trước đây, lễ bỏ mả rất lớn và kéo dài tới bảy đến mười ngày trời. Còn hiện nay do nhiều hoàn cảnh tác động tới (chủ yếu là do kinh tế không cho phép), lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na không được lớn như xưa, nhưng cũng kéo dài từ ba ngày hay nhiều tới bảy ngày. Dù được tổ chức ít ngày hay nhiều ngày, song bao giờ lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na cũng được tiến hành theo ba bước tuần tự như sau: dựng nhà mả, làm lễ bỏ mả và làm lễ giải phóng cho người sống. Trong ba bước hay ba nghi lễ chính vừa nêu trên, thì bước thứ hai hay nghi lễ bỏ mả là chính yếu và quan trọng nhất. Vì thế mà cả người Gia Rai và Ba Na đều gọi lễ bỏ mả là lễ ăn bỏ ma (tiếng Gia Rai: hoă lui bơxat, tiếng Ba Na: tuk bơxat hay brư bơxat) hay lễ ăn bỏ mả (tiếng Gia Rai: hoă lui Atâu tiếng Ba Na: tuk Atâu). Một điều khá kỳ lạ và lý thú là, tuy thuộc hai ngữ hệ khác nhau (người Gia Rai thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo, người Ba Na thuộc ngữ hệ Môn - Khơme), thế mà hai tộc người Gia Rai và Ba Na lại có những từ rất chung gắn với tang tục và lễ bỏ mả: đều gọi ma là atâu, đều gọi nhà mả là bơxát, đều gọi lễ bỏ mả là bơ thi hay pơthi. Ba thuật ngữ quan trọng trên ngoài ở người Gia Rai và Ba Na ra, chỉ có mặt những tộc người Mã Lai - Đa đảo chứ không hề có trong ngôn ngữ của những tộc người Môn - Khơme trên Tây Nguyên. Điều kỳ lạ và lý thú thứ hai nữa là, cả người Gia Rai và Ba Na, theo điều tra điền dã của chúng tôi, đều không hiểu nghĩa của hai thuật ngữ bơxát hay bơ thi và hiểu rất chung chung về thuật ngữ Atâu.
Sau nhiều năm điều tra nghiên cứu, lễ bỏ mả của các nhóm người Gia Rai, Ê đê và Ba Na khác nhau, chúng tôi mới dần dần tìm được ý nghĩa và nguồn gốc của ba thuật ngữ rất đặc thù cho nghi lễ tang ma của những tộc người thực sự có lễ bỏ mả như Gia Rai, Ba Na, Ê đê. Như chúng tôi đã trình bầy ở trên, tuy gọi chung lễ bỏ mả là bơ thi hay pơthi, người Gia Rai, Ê đê và Ba Na đều có thuật ngữ riêng của dân tộc mình để chỉ lễ hội lớn này: người Gia Rai gọi là ăn bỏ (hoă lui), người Ê đê gọi là ăn bỏ nhà mả (hoă lui l'nok), người Ba Na gọi là bỏ (tuk hay brư). Thế nhưng, ở một số nhóm người Gia Rai và Ê đê, chữ bơ thi hay pơthi được dùng thường xuyên hơn để chỉ những ngày làm lễ tưởng nhớ hay những ngày giỗ hàng tháng hoặc hàng năm trước khi làm lễ bỏ mả. Ví dụ, người Gia Rai M'thur (ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai) và người Êđê M'thur (ở huyện Mađrắc tỉnh Đắc Lắc) gọi lễ cúng hàng tháng vào đúng ngày mất của người chết là ăn nhớ hay ăn giỗ (hoă pơthi). Trong khi đó, ở các nhóm Gia Rai khác như Gia Rai Tỏpuăn (ở huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai), Gia Rai Chor hay Gia Rai Cheo Reo (ở huyện Ayun Pa tỉnh Gia Lai), Gia Rai Aráp (ở huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai)... Thì thuật ngữ Pơthi (hay Bơ thi) chỉ để dùng chỉ lễ bỏ mả. Như vậy, ở các tộc người có lễ bỏ mả thật sự đúng với nghĩa của nó, thuật ngữ bơ thi (hay pơthi) đã có sự chuyển từ lễ cúng giỗ hàng tháng thành lễ cúng giỗ lớn cuối cùng - lễ bỏ mả. Còn đối với người Ba Na, thì theo chúng tôi, thuật ngữ bơ thi là thuật ngữ mà người Ba Na tiếp nhận từ người Gia Rai.
Không chỉ ở các tộc người Anhđônêsien (Nam đảo) ở Tây Nguyên và người Chăm và một số tộc người Anhđônêsien khác ở Đông Nam Á, thuật ngữ Pơthi (hay bơ thi) cũng có nghĩa là giỗ, giỗ lớn hay bỏ mả. Ở người Chăm (ở Ninh Thuận, Bình Thuận) có một thuật ngữ chung để chỉ giỗ là păthì: giỗ ba ngày (păthì păh tha), giỗ bảy ngày (păthì pan chu păh pơlú), giỗ đầy tháng (păthì păh pilàn), giỗ hết năm (păthì klăh thun), giỗ tiễn sau một năm (păthì palao). Chỉ sau giỗ tiễn người Chăm mới coi như hết tang, và từ sau lễ đó trở đi, đến khi nào trong họ có đủ điều kiện vật chất (có thể sau 30 hoặc 40 năm) thì gia đình, họ hàng mới làm lễ nhập kút cho linh hồn những người chết. Ngoài người Chăm ở Việt Nam, một số dân tộc Anhđônêsien ở Đông Nam Á hải đảo như người Dayak, người Toratja cũng tổ chức lễ cúng cuối cùng kiểu như lễ bỏ mả và gọi là tiwah.
Thuật ngữ Atâu mà người Gia Rai, Êđê và Ba Na dùng để gọi hồn của người sau khi chết, theo chúng tôi, cũng có nguồn gốc từ các dân tộc Anhđônêsien ở Việt Nam và Đông Nam Á. Thuật ngữ này chỉ có mặt ở tộc người Anhđônêsien, ví dụ, người Chăm gọi hồn ma của người chết trước lúc hỏa táng cho linh hồn siêu thoát về với tổ tiên là Atâu, còn sau khi hỏa táng, Atâu đã trở thành ông bà tổ tiên rồi (Ôông mú), người Dayak thì gọi hồn người chết là liau, người Toratja gọi là tau-tau.
Riêng về thuật ngữ Bơxát dùng để chỉ ngôi nhà mồ làm cho lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na, thì theo điều tra nghiên cứu của chúng tôi, lại có một nguồn gốc khác. Thuật ngữ bơxát (hay pơxát, mbxát tùy theo sự phát âm của mỗi vùng) chỉ có mặt trong thuật ngữ chỉ ngôi nhà mả của người Gia Rai, Êđê, Răglây và Ba Na nghĩa là chủ yếu ở các tộc người Anhđônêsien. Thế nhưng, các tộc người trên vẫn có những thuật ngữ riêng bằng tiếng của mình để chỉ nhà mồ (người Gia Rai, Êđê gọi là sang atâu, người Ba Na gọi là h'mam atâu, cả hai thuật ngữ trên đều có nghĩa là nhà của ma; riêng nhóm Ê đê M'thur và Gia Rai M'thur gọi là nok). Hơn thế nữa, cả người Gia Rai và Ba Na đều chỉ chấp nhận chứ không hiểu chữ bơxát có nghĩa là gì. Ở người Chăm một thuật ngữ pathát để chỉ Kút (hòn đá mộ) của rể trong gia đình tình nguyện sống và chết tại nhà vợ (người Chăm theo mẫu hệ). Pathát của người Chăm chỉ hơi gần về mặt phát âm và chức ngăng với bơxát của các tộc người có lễ bỏ mả trên Tây Nguyên thôi, chứ không hoàn toàn giống hẳn. Còn các dân tộc Anhđônêsien khác ở Đông Nam Á lại gọi ngôi nhà mồ bằng thuật ngữ khác hẳn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, thuật ngữ bơxát của Tây Nguyên có thể là bắt nguồn từ thuật ngữ gốc Ấn Độ: Prasát, nghĩa là đền tháp, thông qua người Chăm thời xưa.
Qua phân tích nguồn gốc của ba thuật ngữ chung cho các dân tộc có lễ bỏ mả trên Tây Nguyên, chúng tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh là, lễ bỏ mả không chỉ đặc thù của Tây Nguyên mà cong là một trong những biểu hiện chung về văn hóa của cả một cộng đồng nguyên Mã Lai (proto - Malais) hay nguyên Đông Dương (proto - Indochine), tức người Inđônêsien - những cư dân bản địa của khu vực Đông Nam Á. Mà theo các nhà nhân chủng học, người thượng (gồm các tộc người nói tiếng Môn - Khơme như Xơ Đăng, Ba Na, M'nông, Giẻ - Triêng... và các tộc người nói tiếng Nam Đảo như Ê đê, Gia Rai...) và người Chăm đều thuộc nhóm loại hình Inđônêsien. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong lễ bỏ mả của Tây Nguyên có nhiều nét chung và rất gần với lễ bỏ mả của nhiều dân tộc khác ở khu vực Đông Nam Á.
Và như giỗ bỏ hay giỗ tiễn của người Chăm (păthì palao) như lễ chôn lần thứ hai của người Dayak và người Toratja (tiwah) ở Inđônêsia...mục đích chính của lễ bỏ mả của người Gia Rai, Ba Na, Êđê trên Tây Nguyên là tiễn đưa người chết về với tổ tiên để hoàn toàn giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Bởi thế, sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ như nhà mả, đồ chia, đồ ăn thức uống, người Gia Rai và Ba Na bước vào lễ bỏ mả bàng ngay nghi thức bỏ mả.
Tuy mỗi nhóm tộc người Gia Rai và Ba Na tiến hành lễ tiên đưa hay lễ bỏ ma hay lễ bỏ mả có khác nhau đôi chút (cụ thể xin xem phần II), nhưng bao giờ cũng gồm những nghi thức sau: người thân trong gia đình hay già làng đọc bài cúng vĩnh biệt đối với người chết; lễ tiễn đưa linh hồn người chết ra đi hẳn với tổ tiên.
Vì lễ bỏ mả kéo dài từ ba đến bảy hôm, nên ba nghi thứ trên không nhất thiết phải vào hôm thứ nhất, thứ hai hay thứ ba; nhưng dù có vào ngày nào đi nữa thì thứ tự trước sau của ba nghi lễ không bao giờ thay đổi. Nghi lễ cúng khóc vĩnh biệt người chết không cầu kỳ, nhưng tình cảm. Suốt mấy hôm lễ bỏ mả, cho đến trước khi làm nghi thức giải phóng, người thân gia đình thay nhau vào nhà mả khóc cúng người chết. Trong khi đó, thì ở bên ngoài mọi người ăn uống, trò chuyện, đánh cồng chiêng, nhảy múa. Đến ngày đã định (thường là ngày thư hai) của lễ bỏ mả, tức ngày mà người Gia Rai gọi là ngày yỡ (rơi pơchă) và người Ba Na gọi là ngày bỏ (anar tuk), khi dân làng, họ hàng và khách các nơi đã đến đông đủ thì lễ thức tiễn đưa linh hồn người chết mới được tổ chức. Lúc đó, người thân của gia đình vào nhà mả đọc lời cúng bỏ mả và khóc than lần cuối cùng với người chết. Khi lời cúng bỏ mả đã đọc xong, cồng chiêng bắt đầu nổi lên và cuộc tiễn đưa vĩ đại đầy lưu luyến bắt đầu. Mọi người lặng lẽ đứng lên nhập vào cuộc tiễn đưa. Có thể nói, cuộc tiễn đưa người chết của người Gia Rai và Ba Na là cả một màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp và đại chúng vô cùng độc đáo. Diễn viên ở đây là tất cả mọi người tham dự; các loại hình nghệ thuật được đem trình diễn ở đây là tất cả những gì cộng đồng biết và có. Theo những kết quả điều tra của chúng tôi, lễ tiễn đưa người chết hôm bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, phong phú nhất và mang tính tổng hợp nhất của người Gia Rai và Ba Na. Trong cuộc trình diễn này, gần như có mặt tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Gia Rai và Ba Na: có âm nhạc cồng chiêng, có múa, có trình diễn rối và có cả biểu diễn mặt nạ. Ở các ngày lễ khác của người Gia Rai và Ba Na cũng có những cuộc trình diễn tập thể lớn, nhưng thường chỉ có nhạc và múa chứ không có rối và mặt nạ như ở lễ bỏ mả. Hơn thế nữa, cuộc trình diễn tổng hợp và tập thể ở lễ bỏ mả lại có bài bản riêng, nội dung thể hiện riêng. Bài nhạc cồng chiêng atâu, điệu múa atâu (soang atâu) nặng nề, ảm đạm, buồn bã, chậm rãi như biểu hiện nỗi lòng thương tiếc của gia đình làng xóm khi phải xa lìa với người thân của mình. Chỉ trong những ngày tang ma và đặc biệt là ngày lễ lễ bỏ mả, người Gia Rai và Ba Na mới đánh bài chiêng atâu, mới múa điệu múa atâu. Đoàn người thì cứ chậm rãi tiếc thương và nhớ nhung đi vòng quanh nhà mả, trong khi đó thì ông bà tổ tiên, được thể hiện qua những người đeo mặt nạ, lại vui mừng đón thêm những con cháu của mình về với mình ở thế giới bên kia.
Như chúng tôi đã trình bày ở một phần viết, lễ bỏ mả là một nghi thức thể hiện ý niệm làm cho người chết được sinh thành sang thế giới bên kia. Vì thế, không chỉ tượng mồ, ở các hình trang trí trên nhà mồ, mà ở ngay lễ tiễn đưa người chết, ý niệm về sự sinh thành cũng được thể hiện qua những hìn ảnh các con rối. Các hình con rối ở buổi lễ tiễn đưa có nhiều, nhưng bao giờ cũng có những cặp rối thể hiện sự giao phối nam nữ. Rối thì, chư chúng tôi đã trình bày, cuộc tiễn đưa ở lễ bỏ mả của một số nhóm người Ba Na còn diễn tả một huyền thoại về sự hình thành ra những con người đầu tiên. Cuộc trình diễn huyền thoại về sự hình thành các vị tổ tiên đầu tiên của loài người trong lễ bỏ mả của người Ba Na có nhiều nét giống với cuộc biểu diễn câu chuyện hình thành vũ trụ trong lễ Tiwah của người Dayak ở Borneo (Indonesia). Ngoài ra, còn có thể thấy ý niệm về sự tái sinh trong lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na qua một số cây trồng, hát giống hay con vật được đem đến trồng hoặc bỏ cho nhà mả. Người Gia Rai và Ba Na thường đem chuối, mía, trồng bên nhà mả, thả con gà vào trong nhà mả và vãi thóc lên nhà mả sau khi làm xong lễ tiễn đưa người chết.
Sau khi làm lễ tiễn đưa xong, về mặt hình thức mà nói, thì người chết đã đi và người sống đã không còn dính líu và ràng buộc gì với người chết nữa. Thế nhưng để người thân thực sự được giải phóng, dân làng và bà con họ hàng vẫn phải làm một nghi lễ: nghi lễ tẩy rửa. Ngay khi lễ tiễn đưa người chết kết thúc, lập tức nhạc cồng chiêng chuyển ngay sang những bài nhạc vui nhộn của đời thường và mọi người đưa nhân thân của người chết ra sông hoặc suối tắm rửa, gội đầu rồi mặc bộ quần áo mới cho họ. Những nơi xa nguồn nước thì mọi người té nước vào những người thân của người chết. Sau khi đã tắm rửa, thay quần áo mới cho những nhân thân của người chết xong, mọi người đưa họ vào nhảy múa vui chung với dân làng trong tiếng nhạc cồng chiêng vui nhộn. Theo từng bước nhảy, sau mỗi tiếng nhạc, giọt nước mắt tiếc thương trên mặt những người góa khô dần và họ bắt đầu mỉm cười, nói chuyện vui vẻ với mọi người. Thế là từ đây, thời kỳ để tang đã hết, người góa hoàn toàn được tự do, có thể lấy vợ, lấy chồng lại và có thể tham gia mọi cuộc vui của bà con làng xóm.
Như vậy, có thể nói lễ bỏ mả là một lễ hội không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn đầy chất nhân văn: tái sinh cho người chết và giải phóng cho người sống. Chất nhân văn còn được thể hiện rất linh động trong những trường hợp, do chôn chung nên phải sau nhiều năm mới làm lễ bỏ mả được (chủ yếu ở người Gia Rai). Trong những trường hợp này, theo phong tục, từng gia đình vẫn có thể làm lễ bỏ mả riêng (lễ bỏ mả nhỏ) trước khi có lễ bỏ mả chung để được giải phóng khỏi mọi ràng buộc với người chết.                 Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét