Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Lễ ăn cơm mới của người Êđê


Lễ ăn cơm mới của người Êđê

Lễ “Huă esei mrâo” - Ăn cơm mới của người Êđê ở Đăk Lăk, thường bắt đầu vào tháng 11 (Dương lịch) hàng năm, khi những hạt lúa đầu tiên đã được mang về nhà. Thuở xa xưa, lúa dùng để cúng Yang (trời) phải được trỉa ở một đám đất riêng biệt, rộng khoảng 2m. Mảnh đất này gia đình nào cũng phải có, không được trồng trọt một thứ gì ngoài cây lúa để cúng tế các Yàng, hoặc làm ma chay khi cha mẹ qua đời.
Lúc chuẩn bị trỉa lúa ở mảnh “đất linh thiêng” này, bà con phải làm lễ cúng rất chu đáo, và luôn chăm sóc đám lúa rất công phu cho đến ngày thu hoạch. Khi lúa chín, người đàn bà (chủ nhà), hoặc cô con gái lớn nhất, phải bứt bằng tay (suốt lúa), không được dùng cật nứa để cắt như lúa thường. Lúa này, nếu cúng xong còn dư, có thể rang lên, hoặc để dành, không được ăn, bán, đổi, hay cho người khác.
Từ tháng 11 trở đi, thiên nhiên đã vào mùa khô. Bầu trời cao nguyên trong vắt, cao thăm thẳm, gió lồng lộng, nắng vàng ươm, khí trời se se lạnh rất dễ chịu. Lòng người hồ hởi bởi vẻ đẹp của thiên nhiên sau những tháng mưa dầm, nhưng cái chính là mùa no đủ chắc chắn đã đến.
Trong bài cúng của Mjâo sẽ có câu: “Mưa rừng đã tạnh, cái lạnh đã qua, lúa đã về nhà. Ta mời các Yang về ăn cơm mới”, lễ mừng cơm mới không có ngày tháng quy định chính thức. Gia đình nào suốt lúa xong sớm, cúng trước. Nhà nào gặt xong sau, cúng sau. Chọn được ngày tốt, đẹp trời, gia đình sẽ thông báo với bà con thân thuộc và bạn bè buôn gần, buôn xa. Ai cũng có thể đến dự lễ ăn cơm mới. Ai có hảo tâm, tùy hoàn cảnh thì tham gia đóng góp. Dù ít, dù nhiều gia chủ cũng trân trọng đón nhận. Đó là một trong những yếu tố cộng đồng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Từ mấy ngày trước, các cô gái lớn trong gia đình đã rủ bạn bè giã gạo chuẩn bị cho lễ cúng. Tiếng chày đôi, chày ba thậm thịch vang lên trong bình minh hay những lúc hoàng hôn buông xuống. Hương lúa mới, cả hương hoa cà phê nở sớm từ trên rẫy theo những cơn gió cao nguyên lồng lộng khắp đại ngàn, tràn về trong nắng vàng óng ả. Náo nức cả buôn. Ngày được chọn đã tới.
Sáng sớm, cả buôn đã nhộn nhịp. Ai có việc phải đi lên rừng, vô rẫy thì hãy đi cho sớm, rồi về (bởi lễ thường bắt đầu vào buổi trưa). Người già chuẩn bị áo, váy, khố đẹp cho mình và cho lũ trẻ. Lớp trung niên ai khéo tay sẽ tới làm cột gơng - dùng để cột ché rượu chính trong lễ cúng - hoặc chuẩn bị các con thịt. Trai tráng lo bẻ lá, khiêng nước đổ ché rượu. Còn các bà bận rộn quanh bếp lửa.
Hoàng hôn cài then ngoài cửa rừng, tiếng chiêng nổi lên dồn dập, náo nức thúc giục những bước chân khách xa, khách gần. Ai nấy đều ăn mặc đẹp. Váy, áo, khố, khăn choàng mới vẫn cất kỹ trong các gùi (piêo), nay được đem ra, đỏ đen rực rỡ. Trên váy áo nữ, những tua chỉ đỏ kết dài đung đưa xuống tận tà áo, một góc nhỏ bằng bàn tay của chiếc m’iêng buông xuống bên hông làm duyên, khiến bước đi của họ uyển chuyển như công múa.
Rượu cần đã cột kỹ vào gơng drai, lá đã lèn chặt và nước đã rót đầy các ché. Cần rượu cũng đã săm soi kỹ để không bị nghẽn tắc, và cắm vào chính giữa ghè rượu. Gia chủ mời khách nam ngồi trên những chiếc chiếu trải đầy gian khách (gah). Khách nữ ngồi kín gian chủ (ôk) cùng với các nữ chủ nhân.
Trên chiếc chiếu mới trải giữa nhà, phía trong những ché rượu (tùy theo mức độ mùa màng mà cột từ 1-3-5 ché, chủ nhà bày ra chiếc đầu heo, những chén đồng đựng huyết, thịt heo (mỗi thứ một ít, nhưng phải đầy đủ, không được thiếu thứ gì). Thầy cũng cầm cần hút rượu vào chén đồng, đặt trước mặt nữ chủ nhân cao tuổi nhất: người nhận lễ. Dàn chiêng trổ tài diễn tấu.
Mjâo ngửa mặt lên trời, hai bàn tay nắm lại, khấn: “Ơ Yang ở phía Đông, Yang ở phía Tây, Yang trên mây, Yang dưới nước, các Yang đất, Yang rừng… Yang đã ban cho chúng tôi mưa thuận gió hòa, cho lúa bắp sinh sôi. Nay tôi suốt lúa một gùi, tôi bẻ bắp một giỏ. Tôi cột ché rượu này mời các Yang về ăn cơm mới. Rượu này thần uống. Cơm này thần ăn. Mùa sau lại cho chúng tôi chân tay mạnh khỏe, lúa bắp tràn đến nóc đầy khắp nhà. Lời tôi ước xin các Yang hãy nhận. Lời tôi cầu xin các Yang hãy nghe. Ơ Yàng!”.
Khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu hòa huyết heo bôi ba lần lên chân bà chủ nhà, rồi cùng vài người già trong gia đình, trong dòng họ trèo lên nhà kho để lúa (Sang Mdiê) khấn thần lúa, cắt cổ con gà, nhỏ vài giọt máu xuống vựa lúa. Họ trở lại nhà sàn, bôi rượu huyết vào cầu thang, cột nhà, thành bếp… Vậy là gia đình này đã được các vị thần linh ban phước và che chở.
Thầy cũng mời người phụ nữ chủ gia đình cầm cần ché rượu đầu tiên. Sau đó mới trao cần cho chồng, sang tay nối tiếp cần rượu các ché thứ 1, thứ 2, thứ 3… Từ lúc này trở đi, cần rượu không được buông khỏi tay người.
Thế là xong phần nghi lễ. Tất cả trong tiếng chiêng dồn dập. Tiếng chiêng vang xa như bay bổng lên chín tầng mây, như luồn xuống đáy vực, báo với các vị thần linh, với cộng đồng cái đói không còn đe dọa nữa.
Những người già được mời uống rượu trước, đến trung niên rồi thanh niên. Nữ trước, nam sau. Uống sao cho nghiêng ngả nhà dài, cho phiêu diêu cặp mắt người già trong phút giây nhớ về quá khứ, cho chuyếnh choáng bước chân người trẻ và lóng lánh như mặt nước ché rượu đầy là ánh mắt con gái trong ngày hội… Uống để mừng lúa mới chắc hạt, nặng bông.

Cứ thế, rượu chảy tràn theo tiếng chiêng, theo những câu hát. Lễ hội cũng là mảnh đất tốt cho nghệ thuật diễn xướng nảy nở và phát triển. Người già kể Klei Khan răn dạy con cháu bằng chuyện xưa, người trung niên gảy đàn gông, hát K’ứt, ôn lại những tháng ngày vất vả cho có hạt lúa hôm nay. Các bà tụ tập nhau thầm thì thủ thỉ theo tiếng đing tut.
Đây cũng là dịp để nam nữ thanh niên khoe tài hát đối đáp, làm quen với nhau… Cuộc vui cứ thế kéo dài. Từ nhà này sang nhà khác. Từ buôn nọ đến buôn kia. Cho mãi tận tháng 3-4, lúc cúng Yang chuẩn bị cho việc dọn rẫy mùa sau mới chấm dứt “mùa ăn năm uống tháng” của người Tây Nguyên.
Các lễ mừng năm mới, cúng bến nước, cầu chúc sức khỏe cho người cao tuổi, lễ thành đinh cho con gái con trai, lễ cưới cho những lứa đôi nên duyên vợ chồng, lễ bỏ mả cho người chết đi đầu thai kiếp khác… đều có thể tiến hành vào những tháng này, nhờ vào sự hậu hĩnh của mùa màng. Chính vì những lễ hội nối tiếp nhau mà làm nên “mùa ăn năm uống tháng”, cũng trùng vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. suu tam

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Lễ bỏ mã- Lễ hội đặc thù của Tây Nguyên (phần3)

III. Lễ bỏ mả - Những ngày hội diễn của nghệ thuật truyền thống
Lên Tây Nguyên vào mùa khô tức là lên với một vùng đất của những ngày lễ hội tưng bừng hay nói như đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là lên với những ngày "ăn năm, uống tháng". Vào những ngày đó, khắp Tây Nguyên như rung lên, như ngất ngây trong tiếng nhạc cồng chiêng. Vào những ngày  "ăn năm, uống tháng" đó, mọi người Tây Nguyên đều vui, đều say và đều như muốn bắt cả trời đất, cỏ cây, muông thú cùng vui, cùng say với mình. Trường ca Đam San (khan Đam San) đã cô đọng mùa hội của Tây Nguyên vào những câu kể đầy hình ảnh và sống động: " Ơ các con! Hãy đánh lên cho tiếng chiêng bay tới chín tầng trời, lọt qua sàn nhà xuống bảy tầng đất, cho lan qua phía tây tới người Lào buôn voi, vọng sang phí đông lọt tai người kinh buôn muối". Còn một bài ca khác của người Ê đê lại mô tả tiếng cồng chiêng của mùa lễ hội trên Tây Nguyên như sau:
"Đánh chiêng tiếng trầm
Chiêng ngân khe khẽ.
Đánh nhẹ cho gió lùa xuống đất.
Đánh cho vang khắp vùng,
Rung cho tiếng lùa qua đầm.
Làm cho bầy khỉ quên bám vào cây,
Cho bầy ma quên hại con người,
Cho loài chuột, sóc quên đào hang luôn,
Cho rắn luồn ra khỏi tổ,
Cho hươu, nai dừng mà ngó,
Cho thỏ lắng tai nghe
Quên cả nhai cỏ non..."
Mà như chúng tôi đã trình bày, đỉnh điểm của mùa lễ hội ở người Giarai và Bahnar là những ngày hội của lễ bỏ mả. Cho nên, lên Tây Nguyên vào mùa khô, đặc biệt là đến với người Giarai và Bahnar, ta sẽ như bị hòa vào, bị hút vào tiếng nhạc cồng chiêng âm vang trầm hùng của lễ bỏ mả. Thế nhưng ở lễ bỏ mả, tiếng nhạc cồng chiêng chỉ là cái nền âm thanh cho tất cả loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống khác của người Giarai và Bahnar mà thôi.
Sau nhiều năm điều tra nghiên cứu trên thực địa, chúng tôi dám khẳng định một điều là, không một lễ hội nào của người Giarai và Bahnar  lại quy tụ vào mình hầu như tất cả những loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống như lễ bỏ mả. Ngoài cồng chiêng, ở lễ bỏ mả còn có mặt nghệ thuật múa, nghệ thuật múa rối, nghệ thuật trình diễn mặt nạ và cả nhạc trống, múa trống. Hơn thế nữa, trong lễ bỏ mả, tất cả các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống trên lại phối hợp với nhau thành cả một buổi trình diễn tổng hợp đặc biệt để tiễn đưa linh hồn người chết, để làm cho người chết hồi sinh và để giải phóng cho người sống.
Vì là một cuộc hội diễn nghệ thuật tổng hợp lớn nhất, nên ngay từ trước những ngày lễ bỏ mả, dân làng đã phải lo làm những con dối lớn nhỏ, làm những hình mặt nạ, trang trí cho những chiếc trống, chuẩn bị y phục ngày lễ và tất nhiên là phải đem ra xem lại những bộ cồng chiêng quý nhất của làng. Cũng vì là lễ hội lớn nhất và lễ hội duy nhất mang tính liên làng, nên trước lễ bỏ mả, "lời mời" phải được chuyển đi tới các làng xa, buôn gần để các buôn làng đó đem cồng chiêng tới tham dự lễ hội.
Suốt những ngày lễ hội bỏ mả (từ ba đến bảy ngày) tai khu nghĩa địa và quanh ngôi nhà mả tiếng cồng chiêng hầu như không lúc nào ngưng tiếng và mọi người thì cứ thay nhau ra ăn uống và nhảy múa ca hát. Càng về khuya, các đống lửa càng rực cháy, mọi người càng ngây ngất vì men rượu cần, tiếng nhạc cồng chiêng càng thôi thuc, dục dã và tiếng chân nhảy múa càng nhanh càng dẻo. Khi đã khuya thì các đống lửa tàn dần, tiếng công chiêng cũng lắng dần, nhịp chân nhảy múa thưa hơn và mọi người từ già đến trẻ nằm ngay bên những đống lửa ngủ một giấc ngon lành cho lại sức để ngày mai lại tiếp tục cuộc vui.
Mặc dầu hình thức là nghi thức tang ma, nhưng theo quan niệm của người Giarai và Bahnar, lễ bỏ ma là ngày vui cộng cảm, là ngày tiễn đưa người chết ra đi, là ngày giải phóng cho người sống và là nghi thức làm cho người chết tái sinh. Vì thế có thể nói, lễ bỏ mả không chỉ là những ngày hội vui mà còn là những ngày hội của tình yêu trai gái. Chúng tôi được nghe các già làng người Giarai và Bahnar kể lại rằng, xưa kia chỉ vào những ngày lễ bỏ mả, trai gái mới được tự do trong việc giao duyên và tình cảm. Không chỉ người Giarai và Bahnar, vào những ngày lễ bỏ mả, người Ê đê cũng phá mọi kiêng cữ để cho trai gái tự do vui chơi giao duyên. Theo các tác giả "văn hóa dân gian Ê đê" đêm của những hôm lễ bỏ mả, thanh niên vui chơi, trò chuyện và nhảy múa, nam nữ hát đối giao duyên bằng điệu Ayray trữ tình nồng thắm, nồng nàn mà chỉ dịp này họ mới được thỏa lòng bày tỏ. Thoạt nhìn thấy có vẻ rất mâu thuẫn, nhưng thực ra tất cả những biểu hiện trái ngược nhau ở lễ bỏ mả: than khóc vĩnh biệt người chết và các sinh hoạt hay những cảnh phồn thực của tượng nhà mồ, của trình diễn các con rối, của hát đối đáp giao duyên...đều tập trung phản ánh hai mặt hay hai mục đích chính của lễ bỏ mả: tiễn biệt người chết và làm cho người chết tái sinh qua hình thức của những hoạt động và trình diễn mang tính "phồn thực".
Tính chất hai mặt khác biệt và đối lập nhau của lễ hội bỏ mả được thể hiện ở gần như mọi hoạt động vui chơi, trình diễn và lễ thức: người nhà của người chết vì nhớ thương người thân thì than khóc, dân làng thì vui chơi, nhảy múa, ăn uống...Thể nhưng, đến nghi lễ tiễn đưa người chết thì cả hai khía cạch trên hòa vào làm một để tạo thành một cuộc trình diễn nghệ thuật tổng hợp lớn. Lúc lễ tiễn đưa hay lễ đi quanh nhà mả bắt đầu thì cồng chiêng chuyển sang đánh bản nhạc tang ma (chiêng Atâo) và mọi người phải múa bài múa tang ma (soang Atâo). Trong tiếng nhạc trống và cồng chiêng ảm đạm, lưu luyến, mọi người chậm rãi múa tiễn linh hồn người chết ra đi. Lúc này, những người múa mặt nạ trở thành hình ảnh các tổ tiên niềm nở đón chào và đưa linh hồn người chết về thế giới của mình. Trong khi đó, những con rối to nhỏ lại cứ thỏa sức "làm tình với nhau" theo bàn tay điều khiển của những người cầm rối. Cứ thế, đoàn trình diễn tổng hợp chậm rãi đi hết vòng này đến vòng khác quanh ngôi nhà mả theo chiều từ trái qua phải, chiều đi của sự sống (chiều vận động bất tận của mặt trời). Ngoài múa, mặt nạ và múa rối, ở một số nơi chúng tôi còn thấy ở lễ bỏ mả những thanh niên bôi bùn lên người, buộc lá cây làm quần áo để diễn những cảnh rất lạ: khiêng thú săn được, mô phỏng cảnh giao cấu... Vì thế chúng tôi cho rằng hẳn là lễ đi quanh nhà mả phải thể hiện một câu chuyện xa xưa nào đó. Thế nhưng cho đến nay chúng tôi chỉ mới giải mã được nội dung của buổi trình diễn đó ở lễ đi quanh nhà mả của người Bahnar (tỉnh Gia Lai). Vì thế, dưới đây chúng tôi xin mô tả và phân tích kĩ buổi trình diễn mang tính lễ thức này.
...
Lễ bỏ mả (tiếng Bahnar là brư nghĩa là bỏ) của người Bahnar thường kéo dài từ ba đến năm ngày liên tục. Một trong những nghi thức quan trọng nhất và cũng mang nhiều màu sắc diễn xướng dân gian nhất của lễ bỏ mả là Grong pơsat (đám rước đi vòng quanh nhà mả). Grong pơsat, thương được tổ chức vào ngày thứ hai (tiếng Bahnar: mơt pơsat - ngày vào) và cũng là đỉnh điểm của lễ bỏ mả. Xét về mặt nghi lễ, sau khi Grong pơsat chấm dứt thì lễ bỏ mả cũng được coi như đã xong. Bởi vậy, ở nhiều nơi, người Bahnar gọi ngày thứ ba của lễ bỏ mả là ngày vỡ (pơchăh).
Thông thường ngày mơt pơsat được bắt đầu từ sáng sớm. Hôm đó, mọi người tập trung owr nhà rông rồi mới ra nhà mả. Tại khu nhà rông, họ thịt bò heo...để cúng. Sau đó, vào quãng bốn hoặc năm giờ chiều, mọi người ôm một vò rượu nhỏ, một xâu thịt và xương hàm lợn (hoặc trâu bò) ra nhà mả làm lễ cúng. Già làng vừa làm lễ bằng động tác lấy rượu ra tưới lên xâu thịt cho chảy xuống đầu mả vừa đọc lời khấn (Sơmah): "này Atâo (ma)! Tôi báo cho Atâo biết: gia đình của Atâo đã giao nào chòi, nào nhà, nào nồi, nào vò để Atâo đem đi. Atâo hãy đem tát cả đi để mà dùng, đừng có đòi thêm gì nữa. Quý vị đã thành ma, thành thần (Yang) rồi. Thế là hết. Còn lại tát cả những gì của gia đình, xin Atâo đừng đem đi. Người nhà đã làm đủ bổn phận với Atâo rồi". Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người qua cố vào nhà mả khóc than lần cuối với người đã chết. Trong khi đó, tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên và nghi thức Grong pơsat bắt đầu. Đoàn rước gồm những người múa (thường là nữ), những người khiêng và đánh trống, những người đánh cồng chiêng, những người đeo mặt nạ, những người trình diễn các con rối. Tất cả ra đứng vào hàng, đứng đầu là những người đeo mặt nạ. Tiếp sau đó là những phụ nữ múa. Nhóm múa đứng thành hai, bốn hay sáu hàng ngang (mỗi hàng từ ba đến năm người) quay mặt về phí nhóm đánh trống, nhóm nhạc cồng chiêng phía sau hoặc cùng hướng về phía trước như tất cả các nhóm người khác trong đám rươc. Tiếp ngay sau nhóm múa là nhóm những người đàn ông khiêng và đánh trống. Nhóm này có ít nhất là ba người và nhiều nhất là bảy người gồm: hai, bốn hoặc sáu người khiêng chiếc trống to (Sơgơr) và một người đánh trống. Phía trên chiếc trống và gắn liền với các đòn khiêng trống là mô hình một ngôi nhà nhỏ mà người Bahnar gọi là nhà thần (Hnam Yang). Ở một số nơi ngôi nhà thần được một nhóm đàn ông khiêng và đi trước nhóm đánh trống. Dù hình thức và kích thước có khác nhau, ngôi nhà thần bao giờ cũng được trang trí bằng những tia mặt trời (Sơdrăng Mắtnar), có những hình các con rối nhỏ ở trong (thường là một đôi nam nữ). Nếu như nhà thần được rước ở một kiệu riêng thì người ta trang trí chiếc trống lớn bằng một cột hoa (Pah pông) có hình chim hoặc bướm trên đỉnh. Sau nhóm đánh trống là một nhóm nhạc công đánh cồng chiêng đi thành một hàng dọc. Tùy theo sự tham gia của các bộ cồng chiêng mà số nhạc công nhiều hay ít.
Ngòi các nhóm múa, trống, cồng chiêng và mặt nạ, tham gia Grong pơsat còn một nhóm những người trình diễn các con rối (Bram). Những con rối mang những chủ đề khác nhau: hoặc thể hiện các con vật như kỳ đà, chim, bướm hoặc thể hiện các cảnh sinh hoạt: giã gạo, sảy gạo, thợ rèn... Và đặc biệt, không thể thiếu được trong Grong pơsat hình những cặp trai gái đang làm tình. Mặc dầu cặp rối làm động tác giao hợp đó có hai nhân vật: nam và nữ, nhưng người Bahnar lại chỉ dùng tên gọi người đàn ông làm tên gọi cho cả cặp rối - Bơnăl. Theo tiếng Bahnar "Bơnal" nghĩa là người đàn ông dâm dục. Nhưng Bơnăl còn là tên một trong những nhân vật chính trong huyền thoại của người Bahnar về những vị tổ tiên đầu tiên của loài người (chúng tôi sẽ đề cập tới huyền thoại này ở đoạn dưới).
Những người đeo mặt nạ (Mêu) và những người trình diễn các con rối (Bram) có thể, hoặc đi đầu đoàn hoặc đi bên chiếc kiệu rước nhà thần, hoặc đi xen kẽ giữa những người đánh cồng chiêng...
Y, trang phục của những người tham dự Grong pơsat thật trang nghiêm và sặc sỡ. Nữ mặc áo váy, đeo vòng lục lạc ở thắt lưng, đeo các vòng đồng hoặc bạc ở cổ, tai và cổ tay; quanh đầu buộc một dải đỏ để giữ tóc. Nam mặc khố dài, đeo lục lạc đồng ở bụng, đầu quấn khăn và cắm lông đuôi chim "Xơ Long" màu đen dài. Theo lời các cụ già người Bahnar, chỉ ở Grong pơsat, đàn ông mới quấn khăn có chiếc lông chim màu đen dài. Nhưng họ cũng không hiểu tại sao lại phải cắm chiếc lông chim lên đầu khi tham dự Grong pơsat.
Tiếng trống, tiếng cồng chiêng chậm rãi, lưu luyến tạo nên không khí trang nghiêm cho buổi lễ bỏ mả. Theo điệu chiêng dành cho ma (Chiêng Atâo), nhóm nữ chậm rãi và uyển chuyển múa điệu múa dành cho ma (Soang Atâo). Mọi người vừa đánh trống, đánh cồng chiêng, vừa múa và từ từ chuyển động đi quanh nhà mả theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Đoàn Grong pơsat cứ thế chậm rãi, trang nghiêm đi vòng quanh một nhà mả (nếu năm đó làng chỉ có một gia đình làm lễ bỏ mả) hoặc vài nhà mả (nếu năm đó có một số gia đình cùng làm lễ bỏ mả cho người thân quá cố). Sau bảy hoặc chín vòng đi quanh nhà mả; Grong pơsat coi như đã làm xong nghi thức của mình. Lúc này, trời đã tối, trăng lên (người Bahnar thường chọn những ngày trăng để làm lễ bỏ mả), các đống lửa đã được đốt lên rực sáng cả khu nghĩa địa và mọi người bắt đầu nướng thịt, nướng những ống cơm, uống rượu cần. Có thể nói, sau Grong pơsat, nghi lễ chính thức của lễ bỏ mả coi như là xong. Từ thời điểm đó, gia đình của người chết hoàn toàn được giải phóng khỏi mọi ràng buộc với người thân đã khuất của mình. Cũng từ thời điểm khi Grong pơsat đi hết vòng cuối cùng, không khí lễ bỏ mả dường như bước sang một không khí mới - không khí của hội. Sau Grong pơsat, trai gái thỏa sức đánh chiêng, nhảy múa, uống rượu cho đến thâu đêm suốt sáng. Giờ đây, các con rối được đem ra trình diễn cho vui chứ không còn mang màu sắc nghi lễ như khi chúng được diễn trong Grong pơsat nữa. Khi ba hoặc năm ngày của lễ bỏ mả chấm dứt, người ta cũng bỏ luôn những cái mặt nạ, những con rối cho chúng mục nát theo ngôi nhà mồ.
Cho đến nay, chưa một nhà khoa học nào lí giải được ý nghĩa của Grong pơsat trong lễ bỏ mả của người Bahnar. Nhà nghiên cứu múa Phạm Hùng Thoan đưa ra một giả thuyết cho rằng, Soang (múa) trong lễ Grong pơsat diễn tả tượng trưng cuộc ra đi của các linh hồn. Nhưng nhận định của ông cũng mang tính suy luận chứ không có cơ sở về mặt cứ liệu. Sau nhiều năm điền dã ở hai huyện An Khê và K'bang (tỉnh Gia Lai, địa bàn cư trú chính của người Bahnar), chúng tôi nhận thấy, nếu chỉ dựa vào ngôn ngữ của múa và âm nhạc cồng chiêng sẽ không thể lý giải được các ý nghĩa ít nhiều mang tính chất diễn xướng của Grong pơsat trong lễ bỏ mả của người Bahnar. Hơn thế nữa, trong khi diễn Grong pơsat, không có ai hát hoặc nói thành lời một câu nào cả. Toàn bộ nghi thức Grong pơsat diễn ra như một vở kịch câm. Chúng tôi cũng đã hỏi không ít những già làng người Bahnar, nhưng không một ai biết Grong pơsat có chức năng hay ý nghĩa gì trong lễ bỏ mả. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, muốn hiểu được vở kịch câm Grong pơsat phải đặt nghi lễ đó vào khung cảnh chung của đám tang, đặc biệt là lễ bỏ mả và quan niệm về cái chết của người Bahnar.
Theo quan niệm của người Bahnar, khi chết, người ta chuyển sang một dạng tồn tại khac - ma (Atâo). Người Bahnar cho rằng, Atâo cũng có cuộc sống hệt như con người: Các Atâo cũng ăn uống, làm việc, lấy vợ lấy chồng, ốm đau và cũng sẽ chết. Nhưng mọi thứ của Atâo đếu khác với của người sống. Ngày của Atâo là đêm của người, Atâo đi giật lùi chứ không đi về phía trước như người, Atâo có hình hài như một cái bóng chứ không có sức nặng và khối cơ thể như của người... Người Bahnar gọi thế giới của người chết là mang lung (nơi tối tăm).
Truyền thuyết của người Bahnar Tơlo kể rằng, xưa kia mang lung của người chết ở núi Lơ Khơng (kông lơ khơng) và bị ngăn với làng của người sống bằng một cái cửa bằng đá ( tơmo khing khớp). Thủa đó, người nhà vẫn có thể đến kông lơ khơng để thăm người thân đã chết. Ví người sống tới thăm người chết đông quá, nên con chuột Kơđut tức giận đốt cháy các làng ma. Sau đó nó còn dâng nước nhấn chìm cả khu kông lơ khơng. Do vậy, Mang Lung phải chuyển về một nơi khác rất xa ở phía tây. Người Bahnar Krem ở huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) thì lại cho răng thế giới của Atâo ở một nơi rất xa. Muốn tới đó, Atâo phải vượt qua biển cả (Dak tơ Sik). Người Bahnar Konkơdeh ở huyện K'bang gọi thế giới của người chết là khu rừng tối tăm (bri)... Mặc dù địa điểm và tên gọi thế giới người chết của người Bahnar có khác nhau ở mỗi nhóm, nhưng cái thế giới của các hồn ma đó bao giờ cũng là một thế giới tối tăm và nằm ngay trên mặt đất chứ không phải ở trên trời, dưới nước hay dưới mặt đất. Sau một thời gian sống ở Mang Lung, Atâo sẽ chết và sẽ biến thành giọt sương (dak ngớp) giọt sương sẽ tan hóa vào đất. Cai quản thế giới Mang Lung là một bà chúa tên là Brôu. Cũng như bà Dung của người Giarai, bà Brôu của người Bahnar không chỉ cai quản người chết mà còn lấy đất nặn ra những đứa trẻ rồi cho chúng nhập vào những phụ nữ có mang.
Như vậy, theo quan niệm của người Bahnar, vòng đời của một người là một chu trình khép kín: Đất - người - ma - đất. Mỗi vòng đời đó gồm hai cuộc đời: Cuộc đời của người sống và cuộc đời của linh hồn người đó sau khi chết. Đối với người Bahnar, hồn người chết không phải là một lực lượng thần bí siêu nhiên đáng sợ mà là một hình thái tồn tại khác của cuộc đời con người. Cho nên, lễ bỏ mả của người Bahnar vừa mang ý nghĩa của một cuộc chia tay giữa người sống và người chết để người sống thì được giải phóng, con người chết thì được bắt đầu sống một cuộc sống khác - cuộc sống của các hồn ma, vừa mang ý nghĩa đánh dấu sự ra đời hay sự hiện diện của một "cá nhân" ở thế giới mới - thế giới bên kia. Mà, xét theo những quan niệm tín ngưỡng nguyên thủy, mọi sự sinh thành đều là kết quả kết hợp của hai giống đực và cái.
Theo tài liệu điều tra mà chúng tôi thu được, người Bahnar có làm những tượng gỗ thể hiện một cách hình tượng sự ra đời của một con người để dựng quanh nhà mả. Ở các nhà mả của người Bahnar, chúng tôi đã nhiều lần gặp những tượng gỗ thể hiện các cảnh : cặp nam nữ đứng đối diện hai bên của nhà mả dùng tay phô bày cơ quan sinh dục của mình, cặp nam nữ đang làm tình, hình người đàn bà chửa, hình người (chính xác hơn là đứa trẻ) ngồi trong tư thế bào thai, hình người mẹ bồng con. Theo suy nghĩ của chúng tôi, tượng mồ của người Bahnar thể hiện cả một quá trình kết hợp đực cái để tạo ra một cuộc sống mới - cuộc sống của người chết ở thế giới bên kia. Toàn bộ nghi lễ bỏ mả của người Bahnar cũng như đỉnh cao của nghi lễ đó - Grong pơsat được diễn ra quanh những tượng gỗ mang tính "phồn thực" vừa nói ở trên. Vậy, Grong pơsat có liên hệ gì hay có mang một ý nghĩa nào đó gần giống như ý nghĩa của các tượng nhà mồ? Chúng tôi cho rằng, cả tượng mồ và Grong pơsat đều cùng mang chung một ý nghĩa : thể hiện sự ra đời của một cuộc đời mới. Tất nhiên, cách thể hiện cũng như hình tượng thể hiện của Grong pơsat khác của những tượng mồ.
Sau khi đã trực tiếp tham dự nhiều lễ bỏ mả ở những địa điểm khác nhau thuộc các nhóm người Bahnar khác nhau, chúng tôi nhận thấy trong Grong pơsat có một vài điểm rất đặc trưng và cũng rất hình tượng. Đó là : vị trí trang trọng và trung tâm của nhóm rước trống (Sơgơr), ngôi nhà thần (Hnam Yang) và những con rối có tên là Bơnăl thể hiện cảnh nam nữ giao hợp. Chỉ ở lễ bỏ mả của người Bahnar (xét trên phạm vi địa bàn Bắc Tây Nguyên) mới có các cảnh Sơgơr, Hnam Yang và Bơnăl. Còn những yếu tố khác như mặt nạ, múa, cồng chiêng,... gần như là những nét chung cho lễ bỏ mả của các dân tộc ở Tây Nguyên. Chính ba yếu tố đặc trưng trên đã giúp chúng tôi lý giải được ý nghĩa nghi lễ Grong pơsat của người Bahnar.
Người Bahnar cho rằng Bok Sơgơr - thần trống là tổ tiên xưa nhất của loài người. Hiện nay, trong các hội lễ lớn, như lễ mở đầu vụ làm nương rẫy, đồng bào Bahnar còn múa điệu múa trống (Soang Sơgơr) để gọi thần sấm về làm mưa. Nhưng chỉ có ở Grong pơsat của lễ bỏ mả, người Bahnar mới làm nghi thức trang trọng rước trống. Một điều đáng lưu ý nữa là : những khi mua trống, các nhạc công Bahnar chỉ sử dụng những chiếc trống nhỏ. Chỉ ở Grong pơsat, người Bahnar mới rước và đánh cái trống lớn (phải dùng từ hai đến tám người khiêng). Qua nhiều lần dự lễ bỏ mả, chúng tôi nhận thấy chiếc trống lớn của Grong pơsat mang ý nghĩa hình tượng và nghi thức nhiều hơn là ý nghĩa của một nhạc cụ.
Như đã trình bày ở phần đầu, trong nghi lễ Grong pơsat, người Bahnar có trình diễn các con rối. Tùy theo hình ảnh chúng được thể hiện mà các con rối được gọi bằng những cái tên khác nhau : rối con chim, rối con bướm, rối người giã gạo, rối người thợ rèn,... Thế nhưng, cặp rối trai gái giao hợp lại không có tên đúng như cảnh chúng thể hiện mà được gọi là Bơnăl. (Theo nghĩa thông dụng thì "Bơnăl" có nghĩa là người đàn ông dâm dục). Thế thì tại sao người ta không gọi cặp rối đang giao hợp kia là những kẻ dâm dục hay đôi trai gái dâm dục hoặc người đàn bà dâm dục mà gọi là "Bơnăl". Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cũng như cái trống lớn, cặp rối nam nữ đang giao hợp trong Grong pơsat của người Bahnar hẳn phải mang một ý nghĩa hình tượng nào đó.
Không còn nghi ngờ gì nữa, hình ảnh chiếc trống lớn (Sơgơr) và hình ảnh con rối có tên là Bơnăl phải gắn với một ý niệm hay một huyền tích xa xưa nào đấy của người Bahnar. Theo chúng tôi, Sơgơr và Bơnăl của Grong pơsat chính là hình tượng hai nhân vật chính trong huyền thoại về tổ tiên đầu tiên của loài người của đồng bào Bahnar. Huyền thoại đó kể lại như sau : "Đầu tiên, vũ trụ là hư vô. Tự nhiên sinh ra hai vị thần : Bok Kơdơi (thần nam) và Ya Konkeh (thần nữ). Hai vị thần lập ra vũ trụ. Kơdơi làm  ra mặt trăng, mặt trời, các vì sao. Nữ thần Konkeh dùng cám vắt ra trời đất : bầu trời cong úp lên trên, mặt đất phẳng nằm dưới. Xong, Kơdơi đem treo các tinh tú lên bầu trời. Hai vị thần lấy nhau sinh ra ba người con : một là nữ thần Yạ Pôm ở trên trời, hai người kia (một trai, một gái) xuống đất làm người và được gọi là Yạ, Bok (bà, ông) tức tổ tiên của loài người.
Lúc đầu, mặt đất không có gì cả. Yạ và Bok xin thần Kơdơi các hạt giống để gieo trồng. Hai thần Kơdơi và Konkeh còn sinh ra chim để giúp hai con mình gieo trồng hạt. Từ đó, loài người sinh sôi nảy nở ra ngày một đông thêm.
Trong số những con cháu của hai vị tổ có một người hoang dâm vô độ tên là Bơnăl. Một hôm, gã dùng bùa mê để ngủ với Bia Phu - con gái của vua Rơh. Vua Rơh tức giận giết chết Bơnăl. Bia Phu không chọn được ai vừa ý, bèn lấy ngựa, rồi bị thủng bụng mà chết. Vua Rơh giết chết ngựa lấy lòng ăn, đem da bịt làm trống đánh chơi. Nào ngờ, nghe thấy tiếng trống, mọi người từ già đến trẻ đều nổi máu dâm lên. Vua Rơh bèn ném trống xuống sông cho trôi đi mất tích. Nhưng trống trôi đến đâu, hễ ai vớt lên đánh là mọi người lại lao vào những chuyện tình bậy bạ. Vì vậy, con người càng ngày càng trở nên xấu xa.
Thần Kơdơi tức giận làm đại hồng thủy cho con người chết hết. Có hai anh em nhà kia vì ăn ở hiền lành nên được Kơdơi báo cho biết trước về nạn lụt sắp tới. Hai anh em bèn chui vào một cái trống to để tranh nạn. Hai người còn đem theo vào trống mọi thú vật, mỗi loại một đôi. Sau một tháng, nước rút, hai anh từ trong trống chui ra. Vì không còn ai sống sót, nên hai anh em phải lấy nhau. Họ sinh ra mười tám người con : bảy trai, mười một gái. Dần loài người trở nên đông đúc. Những cặp thú vật cũng ngày càng sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Hai anh em - những vị tổ tiên của loài người sau nạn hồng thủy được gọi là Yạ và Bok Sơgơr (ông và bà Trống).
Một lần, con cháu của ông bà Trống dựng một ngôi nhà cao lớn, nóc chạm tới trời. Khi làm nhà, người anh cả trên nóc chỉ huy. Bỗng một hôm, người anh nói xuống, nhưng không ai hiểu cả. Họ bèn lao nhao hỏi nhau, nhưng cũng không ai hiểu ai nói gì cả. Thế là họ đành phải chia nhau đi các nơi khác để làm ăn. Từ đó mới sinh ra các "dân tộc".
Tuy không diễn bằng lời, nhưng Grong pơsat, theo chúng tôi rõ ràng là mô tả một cách cô đọng huyền thoại về các vị tổ đầu tiên. Những hình ảnh chính của Grong pơsat như chiếc trống lớn (Sơgơr), cặp rối Bơnăl, chiếc nhà thần (Hnam Yang) tương ứng với các nhân vật và hiện tượng tiêu biểu trong huyền thoại. Để khẳng định thêm cho ý kiến vùa nêu trên, chúng tôi sinh đưa ra đây một tư liệu có liên quan tới Grong pơsat của người Bahnar. Tháng giêng năm 1988, chúng tôi được dự một lễ bỏ mả ở Pơlây De Lơk xã Nghĩa An, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và đã thấy một cảnh khá đặc biệt trong khi tiến hành Grong pơsat : hai người đàn ông đeo mặt nạ, vừa đi lại tự do giữa đám các bà và các cô múa, vừa làm những động tác mang tính tình dục trước mặt họ. Phải chăng, đây cũng là một trong những hình ảnh minh họa chuyện tiếng trống gây ra những cảnh xấu xa trong huyền thoại vừa kể ở trên./ sưu tầm

Lễ bỏ mả-Lễ hội đặc thù của Tây Nguyên

Xin trân trọng gới thiệu cùng bạn đọc.(tiếp theo phần I)

II. Lễ bỏ mả - Người sống được giải phóng
Tuy không sợ những người chết, không có tục thờ phụng tổ tiên đã khuất, người Tây Nguyên nói chung và người Gia Rai và Ba Na nói riêng, sau khi tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về thế giới bên kia, đều có những nghi thức giải phóng mình khỏi những ràng buộc với người chết. Bởi vậy, trong tang tục của người Tây Nguyên, bao giờ bên cạnh lễ tiễn đưa linh hồn người chết ra đi cũng đều có lễ giải phóng cho người sống khỏi mọi rang buộc với người chết. Mặc dầu mục đích thì chung, nhưng mỗi dân tộc Tây Nguyên lại có cách thể hiện nghi lễ đó theo kiểu riêng của mình.
Cũng như nhiều tộc người khác trên Tây Nguyên, người Giẻ - Triêng cho răng mỗi người sống đều có hồn (phol) nằm tít trong lỗ tai. Khi người nào đó chết, hồn biến thành ma (trol, tpol) bay ra khỏi xác. Khi ra khỏi xác, hồn ma đó sẽ hóa thành chim té hoặc chim king kang bay về với tổ tiên ở những hang đá tại vùng quê cha đất tổ ở vùng Hiên, Giằng (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng). Vì tin như vậy nên người Giẻ Triêng chỉ giữ mả một thời gian ngắn rồi làm lễ bỏ mả (thường vào mùa xuân - trước lúc bước vào mùa gieo trồng). Vào ngày làm lễ bỏ mả, người nhà thịt trâu, bò, lợn, đem rượu ra cúng, ăn uống tại khu nghĩa đại. Mọi người đốt lửa, ăn uống, chia tay với người chết rồi ra về. Từ sau hôm bỏ mả, người thân trong gia đình coi như không còn gí ràng buộc với người chết nữa và bỏ luôn cả ngôi mộ của người chết cho nắng mưa, cây rừng hủy hoại. Không chỉ đến hôm làm lễ bỏ mả mà ngay vào đầu tháng hết kiêng kị sau khi chôn người chết (ngày thứ 11 sau khi chôn) người Giẻ Triêng đã làm lễ cắt đứt quan hệ với người chết. Trong lễ này người ta đan một tấm phên nhỏ, xếp lá có gai lên, rồi để lên đó ít gan gà, thuốc hút... Mục đích của lễ cúng hôm hết kiêng là mời hồn người chết về ăn để nhắc nhở là hồn hãy ở lại nghĩa địa, không được về làng nữa và nếu về thì sẽ bị mắc gai như hồn đã bị mắc gai như khi về ăn lễ cúng hết kiêng này.
Người Brâu ở huyện Đăc Tô (tỉnh Kon Tum) tin rằng, khi còn sống, mỗi người đều có một hồn (phao) nằm ở đỉnh đầu. Và khi chết, hồn đó sẽ bay khỏi xác, biến thành ma (Ka đôk) để đi xuống sống ở một cái hố dưới đất (mo nalok) nơi cai quản của thần dưới đất (Yang Taneh). Bởi vậy, khi có người chết, người Brâu đem xác chôn vào rừng và làm ngay lễ cắt đứt hoàn toàn mọi quan hệ giữa người sống và người chết. Để ma người chết không thể về làng được, người Brâu đào quanh mộ người chết bốn hố sâu và làm luôn nghi lễ vĩnh biệt người chết bằng cách đem cho người chết ché, chiêng gùi, rìu, nỏ...lấy rượu hòa tiết gà đem vẩy quanh mộ rồi đọc những lời cúng vĩnh biệt. Sau hôm chôn đó, người thân trong gia đình bỏ luôn mả và không hề cúng bái gì nữa. Từ hôm đó trở đi, người sống coi như hết tang và tiếp tục cuộc sống của mình như thường lệ.
Nếu so với hai tộc người Brâu, Giẻ - Triêng thì người Xơ Đăng (Xơdang) không chỉ có dân số đông hơn nhiều (khoảng 60.000 người) mà còn sống phân bố rộng hơn (trong các huyện Đăc Tô, Sa Thầy, Đăc Glây, Công Plông và thị xã Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum); huyện Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và huyện Sơn Hà tỉnh Bình Định). Thế nhưng trong phong tục tang ma của người Xơ Đăng vẫn có nhiều nét giống người Giẻ - Triêng và người Brâu, những láng riềng của mình.
Theo quan niệm của người Xơ Đăng, mỗi người khi sống đều có một hồn (mhoar). Nhưng khi chết thì hồn của người chết sẽ biến thành ma (keak). Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả, hồn ma người chết vẫn ở tại nhà mả (hnghe keak) trong khu nghĩa địa (ilàng keak - nghĩa là rừng ma). Vì thế, trong thời gian này, hàng tháng gia đình đem rượu, gà lợn ra nhà mả cúng cho người chết. Đến ngày bỏ mả, người nhà và dân làng mới làm lễ cúng lớn, những nhà giàu có thể thịt cả trâu hoặc bò. Hôm lễ bỏ mả, người ta đào một lỗ lớn từ bên ngoài nhà mồ đến quan tài rồi gia chủ lấy tim gan con vật cúng cho vào lỗ mới đào đó để cúng cho người chết.Cúng xong, người ta lấp cái lỗ lại, rồi mọi người cùng ăn uống đến tận tối mới ra về. Từ sau ngày bỏ mả người nhà được hoàn toàn tự do và không còn quan tâm gì đến mả của người chết nữa.
Để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết, người M'nông ở tỉnh Đắc Lắc có nghi lễ gọi là cắt hồn (răt phan hay lơi phan). Nghi lễ này thường được tổ chức sau ba năm kể từ khi chôn người chết. Sau lễ Rắt phan, người thân trong gia đình mới thật sự hết tang, mới hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ với người chết. Không chỉ ở lễ Răt phan, mà ngay khi đem chôn người chết, người M'nông cũng làm một loạt các nghi thức để cắt đứt mối quan hệ giữa người sống và người chết. Sau khi chôn cất người chết xong, nghĩa là đã đắp mộ và làm nhà hồn (jây phan), chủ nhà cầm sợi chỉ nối từ ngực người chết dưới mộ lên mặt đất và đọc lời nhắn: "anh (chị ...) ở lại, chúng tôi về". Khi chủ nhà nhắn xong, mọi người quay đầu, cầm sợ chỉ và chạy, không ngoài cổ lại nhìn vì sợ người chết đi theo. Một lát sau thì sợi chỉ đứt, và khi đó mọi người ra suối tắm rửa, giặt rũ rồi mới về nhà. Đến nhà, mọi người đốt lên một đống lửa trước cửa để bước qua trước khi vào nhà ăn uống.
Như một số dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ê đê tỉnh Đắc Lắc cũng làm lễ bỏ mả để tiễn đưa hồn ma (atao) của người chết về buôn atao (làng ma) của nữ thần Băng Đơ Đung và để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Lễ này được tiến hành từ sau một đến mười năm kể từ sau khi chôn cất người chết và thường kéo dài hai ngày. Ngày đầu, mọi người làm nhà mổ mới, dựng cột kút, cột klao mới. Sau khi đã dựng xong nhà mồ mới, cột kút mới và cột klao mới và sau khi đã làm xong mọi thứ như đồ cúng, đồ ăn..., người thầy cúng đến ngồi bên chén rượu hướng mặt về phía đông, khấn: "Ơ hồn! người đã chết như lúa nát. Mọi chuyện đều đã xong. Hồn ở miền đất khác, uống dòng nước khác rồi! Bây giờ! bỏ nấm mồ này, xin vĩnh biệt. Ngọn lửa đã đốt lên. Rượu cúng đã bày sẵn. Cây chuối đã trồng, con gà đã thả bay đi rồi... Bố mẹ cúng lần cuối này thôi! Vĩnh biệt!" Sau khi thầy cúng cúng xong, mọi người ngồi ăn uống ngay tại khu nghĩa địa. Đêm hôm đầu ấy là đêm vui hoàn toàn với mọi người và mọi kiêng cữ không còn nữa. Người ta ăn uồng, nhảy múa, trò chuyện. Còn thanh niên nam nữ thì hát đối đáp giao duyên... Ngày hôm sau, người ta thịt heo, nhà giàu thì mổ trâu, đem rượu bày la liệt... Mọi người cùng ăn uống với nhau, vui chơi nhảy múa suốt ngày.
Mặc dầu khá nhiều dân tộc ở Tây Nguyên có lễ bỏ mả, nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, chỉ có lễ bỏ mả của hai tộc người Gia Rai và Ba Na  là lớn nhất, dài ngày nhất và cũng mang tính nghệ thuật nhất. Vì thế, để hiểu rõ ý nghĩa "giải phóng" của nghi lễ độc đáo này của Tây Nguyên, chúng tôi xin trình bày kỹ hơn và sâu hơn về lễ hội của hai dân tộc Gia Rai và Ba Na. Ngoài ra trong phần tiếp sau, chúng tôi sẽ còn khảo tả và phân tích lễ bỏ mả của một nhóm Gia Rai và Ba Na mà chúng tôi có tài liệu hơn cả.
Công việc đầu tiên của lễ bỏ mả ở người Gia Rai và Ba Na là làm nhà mả. Trước lễ bỏ mả mười ngày, thậm chí cả tháng trời, dân làng lập ra những đội đi vào rừng đẵn gỗ, chặt tre, cắt cỏ gianh đem về khu nghĩa địa. Gỗ được chặt về làm nhà mả đều là những gỗ tốt và dược quy định từng loại dùng vào việc gì: các loại gỗ cứng được dùng làm cột nhà mả, những loại gỗ mềm dùng để chạm khắc các hình trang trí... Khi gỗ, tre, nứa đã dược đem về đủ, già làng phân chia mọi người thành từng nhóm: nhóm đẽo cột, nhóm đẽo tượng, nhóm làm khung nhà và nhóm phục vụ ăn uống. Làm nhà mả là công việc của đàn ông. Phụ nữ chỉ tham gia phục vụ cơm nước cho những người làm nhà mả. Công việc làm nhà mả được tiến hành ngay tại khu nghĩa địa. Suốt ngày tiếng chặt gỗ, đẽo gỗ rộn vang cả khu nghĩa địa gần làng.
Nhà mả to hay nhỏ, có tượng và cột trang trí hay không được quy định bởi mức độ to nhỏ của lễ bỏ mả. Nếu lễ bỏ mả có ăn trâu thì nhà mả sẽ có nhiều cột trang trí và tượng. Nếu lễ bỏ mả ăn bò thì số cột trang trí và số lượng tượng ít đi... Ví dụ, theo quy định của người Gia Rai, nhà mả có cột kút (bơxat kut) hoặc nhà mả đực (bơxat tơlo) hay nhà mả hai tâng mái (bơxat giép) là những nhà mả của lễ bỏ mả ăn trâu. Còn đối với người Ba Na, chỉ lễ bỏ mả ăn trâu mới có nhà mả rông (bơxat rông); lễ bỏ mả ăn bò thì có nhà mả mái đan (bơxat tanh mắt)...
Mặc dầu lễ bỏ mả của từng gia định như ở người Ba Na hoặc của cả nhóm gia đình của người người Gia Rai (người Gia Rai có tục chôn chung), nhưng việc làm nhà mả cũng như lễ bỏ mả bao giờ cũng là công việc chung của cả làng. Gia chủ chỉ phải đóng góp một phần để nuôi thợ và người làm nhà mả chứ không được tham gia làm. Hình giáng, kiểu cách và các hình trang trí nhà mả đều do những người làm nhà mả quyết định và đã được luật tục quy định.
Khi mọi bộ phận của nhà mả đã làm xong, mọi người định ngày để làm lễ dựng nhà mả. Ngày dựng nhà mả đồng thời cũng là ngày bắt đầu của lễ bỏ mả. Mặc dầu mỗi nơi tổ chức ngày này có khác, ví dụ một số nhóm Ba Na làm lễ dựng nhà khá công phu và chia thành hai ngày: ngày dọn dẹp và ngày dựng nhà mả; còn người Gia Rai thì tổ chức ngày dựng nhà mả hệt như các lễ dựng nhà mới; nhưng ngày đầu tiên này bao giờ cũng là ngày chuẩn bị mọi ths cho ngày vào hội hôm sau. Vào ngày dựng nhà mả, gia đình và dân làng còn phải chuẩn bị đủ củi, đuốc và nước để uống rượu cần, còn phải đem hết các của cải chia cho người chết ra nhà mả và còn phải dắt những con vật (trâu, bò...) sẽ ăn thịt và những hôm lễ bỏ mả ra khu nhà mả để buộc và những cột gâng phía sau nhà mả. Tất cả mọi việc đều có nahi lễ kèm theo: lễ cúng làm xong nhà mả mới, lễ chía cho người chết, lễ chuyển giao những con vật cho người chết... Vì thế, tuy chưa phải ngày lễ chính thứ của lễ bỏ mả,ngày dựng nhà mả đã nhộn nhịp, tấp nập và vui vẻ như ngày hội rồi. Suốt ngày, suốt đêm hôm đó, cả làng đều đổ ra khu nhà mả để làm giúp, để vui chơi và ăn uống.
Theo lời các cụ già người Gia Rai và Ba Na, trước đây, lễ bỏ mả rất lớn và kéo dài tới bảy đến mười ngày trời. Còn hiện nay do nhiều hoàn cảnh tác động tới (chủ yếu là do kinh tế không cho phép), lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na không được lớn như xưa, nhưng cũng kéo dài từ ba ngày hay nhiều tới bảy ngày. Dù được tổ chức ít ngày hay nhiều ngày, song bao giờ lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na cũng được tiến hành theo ba bước tuần tự như sau: dựng nhà mả, làm lễ bỏ mả và làm lễ giải phóng cho người sống. Trong ba bước hay ba nghi lễ chính vừa nêu trên, thì bước thứ hai hay nghi lễ bỏ mả là chính yếu và quan trọng nhất. Vì thế mà cả người Gia Rai và Ba Na đều gọi lễ bỏ mả là lễ ăn bỏ ma (tiếng Gia Rai: hoă lui bơxat, tiếng Ba Na: tuk bơxat hay brư bơxat) hay lễ ăn bỏ mả (tiếng Gia Rai: hoă lui Atâu tiếng Ba Na: tuk Atâu). Một điều khá kỳ lạ và lý thú là, tuy thuộc hai ngữ hệ khác nhau (người Gia Rai thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo, người Ba Na thuộc ngữ hệ Môn - Khơme), thế mà hai tộc người Gia Rai và Ba Na lại có những từ rất chung gắn với tang tục và lễ bỏ mả: đều gọi ma là atâu, đều gọi nhà mả là bơxát, đều gọi lễ bỏ mả là bơ thi hay pơthi. Ba thuật ngữ quan trọng trên ngoài ở người Gia Rai và Ba Na ra, chỉ có mặt những tộc người Mã Lai - Đa đảo chứ không hề có trong ngôn ngữ của những tộc người Môn - Khơme trên Tây Nguyên. Điều kỳ lạ và lý thú thứ hai nữa là, cả người Gia Rai và Ba Na, theo điều tra điền dã của chúng tôi, đều không hiểu nghĩa của hai thuật ngữ bơxát hay bơ thi và hiểu rất chung chung về thuật ngữ Atâu.
Sau nhiều năm điều tra nghiên cứu, lễ bỏ mả của các nhóm người Gia Rai, Ê đê và Ba Na khác nhau, chúng tôi mới dần dần tìm được ý nghĩa và nguồn gốc của ba thuật ngữ rất đặc thù cho nghi lễ tang ma của những tộc người thực sự có lễ bỏ mả như Gia Rai, Ba Na, Ê đê. Như chúng tôi đã trình bầy ở trên, tuy gọi chung lễ bỏ mả là bơ thi hay pơthi, người Gia Rai, Ê đê và Ba Na đều có thuật ngữ riêng của dân tộc mình để chỉ lễ hội lớn này: người Gia Rai gọi là ăn bỏ (hoă lui), người Ê đê gọi là ăn bỏ nhà mả (hoă lui l'nok), người Ba Na gọi là bỏ (tuk hay brư). Thế nhưng, ở một số nhóm người Gia Rai và Ê đê, chữ bơ thi hay pơthi được dùng thường xuyên hơn để chỉ những ngày làm lễ tưởng nhớ hay những ngày giỗ hàng tháng hoặc hàng năm trước khi làm lễ bỏ mả. Ví dụ, người Gia Rai M'thur (ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai) và người Êđê M'thur (ở huyện Mađrắc tỉnh Đắc Lắc) gọi lễ cúng hàng tháng vào đúng ngày mất của người chết là ăn nhớ hay ăn giỗ (hoă pơthi). Trong khi đó, ở các nhóm Gia Rai khác như Gia Rai Tỏpuăn (ở huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai), Gia Rai Chor hay Gia Rai Cheo Reo (ở huyện Ayun Pa tỉnh Gia Lai), Gia Rai Aráp (ở huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai)... Thì thuật ngữ Pơthi (hay Bơ thi) chỉ để dùng chỉ lễ bỏ mả. Như vậy, ở các tộc người có lễ bỏ mả thật sự đúng với nghĩa của nó, thuật ngữ bơ thi (hay pơthi) đã có sự chuyển từ lễ cúng giỗ hàng tháng thành lễ cúng giỗ lớn cuối cùng - lễ bỏ mả. Còn đối với người Ba Na, thì theo chúng tôi, thuật ngữ bơ thi là thuật ngữ mà người Ba Na tiếp nhận từ người Gia Rai.
Không chỉ ở các tộc người Anhđônêsien (Nam đảo) ở Tây Nguyên và người Chăm và một số tộc người Anhđônêsien khác ở Đông Nam Á, thuật ngữ Pơthi (hay bơ thi) cũng có nghĩa là giỗ, giỗ lớn hay bỏ mả. Ở người Chăm (ở Ninh Thuận, Bình Thuận) có một thuật ngữ chung để chỉ giỗ là păthì: giỗ ba ngày (păthì păh tha), giỗ bảy ngày (păthì pan chu păh pơlú), giỗ đầy tháng (păthì păh pilàn), giỗ hết năm (păthì klăh thun), giỗ tiễn sau một năm (păthì palao). Chỉ sau giỗ tiễn người Chăm mới coi như hết tang, và từ sau lễ đó trở đi, đến khi nào trong họ có đủ điều kiện vật chất (có thể sau 30 hoặc 40 năm) thì gia đình, họ hàng mới làm lễ nhập kút cho linh hồn những người chết. Ngoài người Chăm ở Việt Nam, một số dân tộc Anhđônêsien ở Đông Nam Á hải đảo như người Dayak, người Toratja cũng tổ chức lễ cúng cuối cùng kiểu như lễ bỏ mả và gọi là tiwah.
Thuật ngữ Atâu mà người Gia Rai, Êđê và Ba Na dùng để gọi hồn của người sau khi chết, theo chúng tôi, cũng có nguồn gốc từ các dân tộc Anhđônêsien ở Việt Nam và Đông Nam Á. Thuật ngữ này chỉ có mặt ở tộc người Anhđônêsien, ví dụ, người Chăm gọi hồn ma của người chết trước lúc hỏa táng cho linh hồn siêu thoát về với tổ tiên là Atâu, còn sau khi hỏa táng, Atâu đã trở thành ông bà tổ tiên rồi (Ôông mú), người Dayak thì gọi hồn người chết là liau, người Toratja gọi là tau-tau.
Riêng về thuật ngữ Bơxát dùng để chỉ ngôi nhà mồ làm cho lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na, thì theo điều tra nghiên cứu của chúng tôi, lại có một nguồn gốc khác. Thuật ngữ bơxát (hay pơxát, mbxát tùy theo sự phát âm của mỗi vùng) chỉ có mặt trong thuật ngữ chỉ ngôi nhà mả của người Gia Rai, Êđê, Răglây và Ba Na nghĩa là chủ yếu ở các tộc người Anhđônêsien. Thế nhưng, các tộc người trên vẫn có những thuật ngữ riêng bằng tiếng của mình để chỉ nhà mồ (người Gia Rai, Êđê gọi là sang atâu, người Ba Na gọi là h'mam atâu, cả hai thuật ngữ trên đều có nghĩa là nhà của ma; riêng nhóm Ê đê M'thur và Gia Rai M'thur gọi là nok). Hơn thế nữa, cả người Gia Rai và Ba Na đều chỉ chấp nhận chứ không hiểu chữ bơxát có nghĩa là gì. Ở người Chăm một thuật ngữ pathát để chỉ Kút (hòn đá mộ) của rể trong gia đình tình nguyện sống và chết tại nhà vợ (người Chăm theo mẫu hệ). Pathát của người Chăm chỉ hơi gần về mặt phát âm và chức ngăng với bơxát của các tộc người có lễ bỏ mả trên Tây Nguyên thôi, chứ không hoàn toàn giống hẳn. Còn các dân tộc Anhđônêsien khác ở Đông Nam Á lại gọi ngôi nhà mồ bằng thuật ngữ khác hẳn. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, thuật ngữ bơxát của Tây Nguyên có thể là bắt nguồn từ thuật ngữ gốc Ấn Độ: Prasát, nghĩa là đền tháp, thông qua người Chăm thời xưa.
Qua phân tích nguồn gốc của ba thuật ngữ chung cho các dân tộc có lễ bỏ mả trên Tây Nguyên, chúng tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh là, lễ bỏ mả không chỉ đặc thù của Tây Nguyên mà cong là một trong những biểu hiện chung về văn hóa của cả một cộng đồng nguyên Mã Lai (proto - Malais) hay nguyên Đông Dương (proto - Indochine), tức người Inđônêsien - những cư dân bản địa của khu vực Đông Nam Á. Mà theo các nhà nhân chủng học, người thượng (gồm các tộc người nói tiếng Môn - Khơme như Xơ Đăng, Ba Na, M'nông, Giẻ - Triêng... và các tộc người nói tiếng Nam Đảo như Ê đê, Gia Rai...) và người Chăm đều thuộc nhóm loại hình Inđônêsien. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong lễ bỏ mả của Tây Nguyên có nhiều nét chung và rất gần với lễ bỏ mả của nhiều dân tộc khác ở khu vực Đông Nam Á.
Và như giỗ bỏ hay giỗ tiễn của người Chăm (păthì palao) như lễ chôn lần thứ hai của người Dayak và người Toratja (tiwah) ở Inđônêsia...mục đích chính của lễ bỏ mả của người Gia Rai, Ba Na, Êđê trên Tây Nguyên là tiễn đưa người chết về với tổ tiên để hoàn toàn giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Bởi thế, sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ như nhà mả, đồ chia, đồ ăn thức uống, người Gia Rai và Ba Na bước vào lễ bỏ mả bàng ngay nghi thức bỏ mả.
Tuy mỗi nhóm tộc người Gia Rai và Ba Na tiến hành lễ tiên đưa hay lễ bỏ ma hay lễ bỏ mả có khác nhau đôi chút (cụ thể xin xem phần II), nhưng bao giờ cũng gồm những nghi thức sau: người thân trong gia đình hay già làng đọc bài cúng vĩnh biệt đối với người chết; lễ tiễn đưa linh hồn người chết ra đi hẳn với tổ tiên.
Vì lễ bỏ mả kéo dài từ ba đến bảy hôm, nên ba nghi thứ trên không nhất thiết phải vào hôm thứ nhất, thứ hai hay thứ ba; nhưng dù có vào ngày nào đi nữa thì thứ tự trước sau của ba nghi lễ không bao giờ thay đổi. Nghi lễ cúng khóc vĩnh biệt người chết không cầu kỳ, nhưng tình cảm. Suốt mấy hôm lễ bỏ mả, cho đến trước khi làm nghi thức giải phóng, người thân gia đình thay nhau vào nhà mả khóc cúng người chết. Trong khi đó, thì ở bên ngoài mọi người ăn uống, trò chuyện, đánh cồng chiêng, nhảy múa. Đến ngày đã định (thường là ngày thư hai) của lễ bỏ mả, tức ngày mà người Gia Rai gọi là ngày yỡ (rơi pơchă) và người Ba Na gọi là ngày bỏ (anar tuk), khi dân làng, họ hàng và khách các nơi đã đến đông đủ thì lễ thức tiễn đưa linh hồn người chết mới được tổ chức. Lúc đó, người thân của gia đình vào nhà mả đọc lời cúng bỏ mả và khóc than lần cuối cùng với người chết. Khi lời cúng bỏ mả đã đọc xong, cồng chiêng bắt đầu nổi lên và cuộc tiễn đưa vĩ đại đầy lưu luyến bắt đầu. Mọi người lặng lẽ đứng lên nhập vào cuộc tiễn đưa. Có thể nói, cuộc tiễn đưa người chết của người Gia Rai và Ba Na là cả một màn trình diễn nghệ thuật tổng hợp và đại chúng vô cùng độc đáo. Diễn viên ở đây là tất cả mọi người tham dự; các loại hình nghệ thuật được đem trình diễn ở đây là tất cả những gì cộng đồng biết và có. Theo những kết quả điều tra của chúng tôi, lễ tiễn đưa người chết hôm bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, phong phú nhất và mang tính tổng hợp nhất của người Gia Rai và Ba Na. Trong cuộc trình diễn này, gần như có mặt tất cả các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Gia Rai và Ba Na: có âm nhạc cồng chiêng, có múa, có trình diễn rối và có cả biểu diễn mặt nạ. Ở các ngày lễ khác của người Gia Rai và Ba Na cũng có những cuộc trình diễn tập thể lớn, nhưng thường chỉ có nhạc và múa chứ không có rối và mặt nạ như ở lễ bỏ mả. Hơn thế nữa, cuộc trình diễn tổng hợp và tập thể ở lễ bỏ mả lại có bài bản riêng, nội dung thể hiện riêng. Bài nhạc cồng chiêng atâu, điệu múa atâu (soang atâu) nặng nề, ảm đạm, buồn bã, chậm rãi như biểu hiện nỗi lòng thương tiếc của gia đình làng xóm khi phải xa lìa với người thân của mình. Chỉ trong những ngày tang ma và đặc biệt là ngày lễ lễ bỏ mả, người Gia Rai và Ba Na mới đánh bài chiêng atâu, mới múa điệu múa atâu. Đoàn người thì cứ chậm rãi tiếc thương và nhớ nhung đi vòng quanh nhà mả, trong khi đó thì ông bà tổ tiên, được thể hiện qua những người đeo mặt nạ, lại vui mừng đón thêm những con cháu của mình về với mình ở thế giới bên kia.
Như chúng tôi đã trình bày ở một phần viết, lễ bỏ mả là một nghi thức thể hiện ý niệm làm cho người chết được sinh thành sang thế giới bên kia. Vì thế, không chỉ tượng mồ, ở các hình trang trí trên nhà mồ, mà ở ngay lễ tiễn đưa người chết, ý niệm về sự sinh thành cũng được thể hiện qua những hìn ảnh các con rối. Các hình con rối ở buổi lễ tiễn đưa có nhiều, nhưng bao giờ cũng có những cặp rối thể hiện sự giao phối nam nữ. Rối thì, chư chúng tôi đã trình bày, cuộc tiễn đưa ở lễ bỏ mả của một số nhóm người Ba Na còn diễn tả một huyền thoại về sự hình thành ra những con người đầu tiên. Cuộc trình diễn huyền thoại về sự hình thành các vị tổ tiên đầu tiên của loài người trong lễ bỏ mả của người Ba Na có nhiều nét giống với cuộc biểu diễn câu chuyện hình thành vũ trụ trong lễ Tiwah của người Dayak ở Borneo (Indonesia). Ngoài ra, còn có thể thấy ý niệm về sự tái sinh trong lễ bỏ mả của người Gia Rai và Ba Na qua một số cây trồng, hát giống hay con vật được đem đến trồng hoặc bỏ cho nhà mả. Người Gia Rai và Ba Na thường đem chuối, mía, trồng bên nhà mả, thả con gà vào trong nhà mả và vãi thóc lên nhà mả sau khi làm xong lễ tiễn đưa người chết.
Sau khi làm lễ tiễn đưa xong, về mặt hình thức mà nói, thì người chết đã đi và người sống đã không còn dính líu và ràng buộc gì với người chết nữa. Thế nhưng để người thân thực sự được giải phóng, dân làng và bà con họ hàng vẫn phải làm một nghi lễ: nghi lễ tẩy rửa. Ngay khi lễ tiễn đưa người chết kết thúc, lập tức nhạc cồng chiêng chuyển ngay sang những bài nhạc vui nhộn của đời thường và mọi người đưa nhân thân của người chết ra sông hoặc suối tắm rửa, gội đầu rồi mặc bộ quần áo mới cho họ. Những nơi xa nguồn nước thì mọi người té nước vào những người thân của người chết. Sau khi đã tắm rửa, thay quần áo mới cho những nhân thân của người chết xong, mọi người đưa họ vào nhảy múa vui chung với dân làng trong tiếng nhạc cồng chiêng vui nhộn. Theo từng bước nhảy, sau mỗi tiếng nhạc, giọt nước mắt tiếc thương trên mặt những người góa khô dần và họ bắt đầu mỉm cười, nói chuyện vui vẻ với mọi người. Thế là từ đây, thời kỳ để tang đã hết, người góa hoàn toàn được tự do, có thể lấy vợ, lấy chồng lại và có thể tham gia mọi cuộc vui của bà con làng xóm.
Như vậy, có thể nói lễ bỏ mả là một lễ hội không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn đầy chất nhân văn: tái sinh cho người chết và giải phóng cho người sống. Chất nhân văn còn được thể hiện rất linh động trong những trường hợp, do chôn chung nên phải sau nhiều năm mới làm lễ bỏ mả được (chủ yếu ở người Gia Rai). Trong những trường hợp này, theo phong tục, từng gia đình vẫn có thể làm lễ bỏ mả riêng (lễ bỏ mả nhỏ) trước khi có lễ bỏ mả chung để được giải phóng khỏi mọi ràng buộc với người chết.                 Sưu tầm

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Lễ bỏ mã-Lễ hội đặc thù của Tây nguyên

I. Lễ bỏ mả - cái chết được hồi sinh
Đối với hầu hết các dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng trên thế giới, cái chết của con người bao giờ cũng trở thành mối bận tâm hàng đầu. Vì sao người ta chết, cuộc sống của con người sau cái chết như thế nào và những điều khác nữa liên quan đến cái chết luôn là những vấn đề đặt ra đối với mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo… Và tất nhiên, mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo đều có cách lý giải, cách ứng sử riêng đối với cái chết của mỗi thành viên trong cộng đồng của mình. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều những công trình kiến trúc vào loại vĩ đại nhất của nhân loại như Kim tự tháp Ai Cập, lăng tẩm các vua chúa thời phong kiến ở Trung Quốc, các lăng của các vua triều Nguyễn Việt Nam ở Huế… đều là những sản phẩm do con người tạo ra để phục vụ cho những con người đã chết. Người Tây Nguyên nói chung và người Giarai, Bahnar nói riêng không nằm ngoài hiện tượng chung mang tính nhân loại đó. Họ cũng có những quan niệm riêng, cách ứng sử riêng của mình đối với cái chết của những người trong cộng đồng.
Như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Giarai và người Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên tin rằng sau khi chết linh hồn của người chết sẽ về thế giới bên kia sống với tổ tiên. Thế nhưng, theo quan niệm của người Giarai và người Bahnar, linh hồn của người chết không đi hẳn, không sống hẳn ở thế giới bên kia, mà sau một thời gian linh hồn đó sẽ trở lại – tái sinh trở lại – làm người bằng cách nhập vào thể xác của những đứa trẻ. Vì vậy, đối với người Giarai và người Bahnar, chết không phải là hết, mà chết chỉ là chuyển trạng thái sống của một cá thể: từ trạng thái vật chất sang trạng thái siêu hình, để sau một thời gian lại chuyển từ trạng thái siêu hình về trạng thái vật chất. Chính do quan niệm như vậy về cái chết nên con người Giarai và người Bahnar không sợ những người chết (những người chết bình thường hay còn gọi là chết lành) và có cách ứng sử riêng của mình đối với người chết.
Vì tin rằng khi chết linh hồn của người chết sẽ sang sống ở thế giới khác – thế giới bên kia của tổ tiên, nên cả người Giarai, người Bahnar và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên có tục làm lễ bỏ ma (hay bỏ mả) để đưa tiễn linh hồn người chết ra đi hay để chuyển trạng thái sống cho người chết. Chỉ sau lễ bỏ mả đó linh hồn người chết mới hoàn toàn tách khỏi mọi ràng ràng buộc với người sống, mới thực sự đi đến “quê hương” mới của mình, còn người sống thì mới được giải phóng thực sự khỏi mọi liên hệ với người chết. Nói cách khác, theo quan niệm của người Giarai và người Bahnar, khi hồn của người chết ra đi hẳn về với tổ tiên hay khi người chết đã chuyển sang trạng thái sống khác, thì mối liên hệ giữa người sống và người chết hoàn toàn bị cắt đứt. Do vậy mà người Giarai và người Bahnar không làm đền miếu, lăng tẩm hay bàn thờ vĩnh viễn cho người chết và không có tục thờ cúng tổ tiên sau khi đã làm lễ bỏ ma cho họ. Sau lễ người sống không chỉ không cúng giỗ mà họ còn bỏ luôn cả mả của người chết. Vì thế mà người Giarai và người Bahnar gọi buổi lễ đó là lễ bỏ mả.
Dù có quan niệm về cái chết thế nào đi nữa, đã là người thì khi đồng loại và nhất là người thân chết, ai mà không tiếc không thương. Sự tiếc thương đối với người chết không chỉ biểu lộ qua sự đau đớn mà còn qua các nghi thức tang ma. Mặc dầu biết rằng, sau khi chết người chết sẽ phải ra đi sống ở thế giới khác, người Giarai và người Bahnar vẫn không cho người chết đi ngay mà giữ họ lại với mình một thời gian cho đỡ nhớ, đỡ thương. Trong thời gian giữ người chết ở lại (người Giarai và người Bahnar gọi là giữ ma hay giữ mả), gia đình ngày ngày phải đem cơm nước tới mả cho người chết ăn uống, đốt lửa cho người chết được ấm, quét dọn mồ mả của người chết cho sạch. Và tất nhiên thời kỳ giữ người chết ở lại là những ngày tháng người sống có thể “tâm tình” với người chết. Chỉ đến khi cảm thấy đỡ nhớ thương và đặc biệt đã chuẩn bị đủ điều kiện vật chất thì những người thân trong gia đình và làng xóm mới làm lễ bỏ mả cho người chết để linh hồn người chết ra đi về thế giới tổ tiên và để người sống được tự do. Từ thời điểm sau lễ bỏ mả ấy , “âm”, “dương” hoàn toàn cách biệt, không còn ràng buộc và liên hệ gì với nhau nữa.
Vì thế, đối với người Giarai và người Bahnar, lễ bỏ mả là nghi lễ tiễn đưa linh hồn người chết ra đi về thế giới của mình để sống, hay nói một cách hình tượng là, nghi lễ bỏ mả là nghi lễ làm cho người chết hồi sinh nhưng ở một trạng thái khác. Không phải ngẫu nhiên mà những hình tượng kiến trúc và điêu khắc (nhà mồ, tượng mồ), những hình thức trình diễn (mặt nạ, rối, múa) và nhiều hoạt động khác (ăn uống, hát giao duyên, trai gái tâm tình..) ở lễ bỏ mả thể hiện nhiều hình ảnh của sự sinh thành, của quá trình hình thành ra một sinh linh mới (về điều này chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở phần tiếp sau). Do đó có thể nói, lễ bỏ mả chính là lễ hội làm cho người chết hồi sinh và là hình thức biểu diễn bằng nhiều hình thái sinh hoạt nghệ thuật thể hiện quan niệm về cái chết của người Giarai và người Bahnar: chết là chuyển sang một trạng thái hay thế giới khác để rồi sẽ trở lại về cuộc sống con người. Dưới đây chúng tôi xin trình bày chi tiết hơn quan niệm về cái chết cũng như cách thể hiện quan niệm đó ở hai dân tộc:  Giarai và Bahnar.
Người Giarai cho rằng, khi sống mỗi người đều có hồn (m’ngăt) và khi chết, thì hồn của người chết lập tức biến thành ma (atâo). Trong thời gian chưa làm lễ bỏ mả mà người Giarai gọi là ăn bỏ mả hay ăn bỏ ma (huă lui pơsat hay huă lui atâo) hồn ma của người chết vẫn ở lại nghĩa địa chứ chưa đi.
Trong thời gian giữ ma hay giữ mả (rak Atâo hay rak pơsat), gia đình ngày ngày đem cơm nước đến nhà mồ cho ma ăn uống, đốt lửa cho ma sưởi ấm, quét dọn nhà mồ cho ma, khóc và tâm tình với ma. Khi đã có đủ điều kiện vật chất, người nhà mới tiến hành làm lễ bỏ mả tiễn đưa hồn ma đi về với tổ tiên ở thế giới bên kia.
Thế giới bên kia hay làng ma (buôn Atâo) là một nơi tối tăm xa xôi ở đâu đó phía tây (hoặc ở trên mặt đất hoặc ở dưới mặt đất). Người Giarai Mdhur ở huyện Krông Pa và Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) kể rằng làng ma hay làng ông bà (pơlơi ơi ja) nằm ở trong một cái hang ở phái tây và do hai chị em là bà Tung và bà Tai cai quản. Truyền thuyết còn kể là xưa kia, bà Tung cho phép người sống tới gặp tổ tiên của mình. Thế nhưng về sau thấy người sống tới quá đông, thần Kơdei bèn dùng một cây to bịt cửa hang lại. Từ đó, hai thế giới trở nên hoàn toàn cách biệt. Ở thế giới hay làng ma đó, linh hồn những người chết cũng phai làm ăn sinh sống như người sống và cũng phải chết. Khi chết hồn ma (Atâo) biến thành con nhện. Bà Tung thả con nhện lên mặt đất. Nhện chết biến thành giọt sương (ia nguôm) rồi tan hòa vào đất. Cũng theo những truyền thuyết mà chúng tôi sưu tầm được ở người người Giarai Mdhur, bà Tung không chỉ được thần tối cao Kơdei chọn làm vua (pơtao) cai quản thế giới người chết sau khi thần bắt còn người phải chết và lập ra làng ma, mà còn giao cho bà công việc tạo ra những sinh linh mới bằng cách cho các linh hồn trở lại mặt đất nhập vào những đứa trẻ mới sinh ra. Trong truyền thuyết về bà Tung, có một chi tiết mang tính tượng hình khá đặc biệt: khung dệt. Truyền thuyết kể rằng, ngày ngày bà Tung ngồi bên khung dệt để dệt tấm vải của thế giới con người. Mỗi sợi chỉ là một số phận khác nhau của từng con người do bà tạo ra. Khi ai đó chết thì sợi chỉ số phận của người đó đứt, và bà Tung gỡ sợi chỉ đó ra khỏi tầm vải. Còn khi một sinh linh nào mới ra đời, bà lại đan thêm một sợi chỉ vào tấm vải.
Quan niệm về cái chết cũng như thế giới người chết của người Gia Rai M'thur có nhiều nét giống với quan niệm của người Êđê. Người Êđê cho rằng khi ai đó chết thì hồn ma (m'ngăt) biến thành ma (atâo): Sau lễ tang hồn vẫn sống lang thang ở nghĩa địa và được gia đình nuôi cho ăn uống. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, hồn mới được về làng ma (buôn atâo) do vợ chồng Băng Bơ Đung, Băng Bơ Đai cai quản. Ở làng ma đó, hồn sống và làm việc như người sống. Sau khi chết hồn sẽ biến hóa 7 lần rồi trở thành giọt sương "hồn". Giọt sương trở lên mặt đất, nhập vào đứa trẻ sơ sinh là con cháu thuộc dòng máu của hồn trong lễ đặt tên, nhập hồn cho đứa bé.
Để cho hồn tổ tiên, sau khi được bà Tung cho lên mặt đất qua giọt sương và đã tan vào đất, có thể thành người được, người Giarai và Êđê đều phải làm lễ nhập hồn và đặt tên cho đứa trẻ mới sinh. Trong lễ đặt tên, nhập hồn, người nhà phải làm một mâm cúng gồm một chén rượu, một con gà nhỏ, một quả cà, một củ gừng, là nứa và một giọt sương lớn. Sau khi thầy cúng khấn xong, bà đỡ cầm quả cà chấm vào giọt sương, đưa gần miệng đứa trẻ và đọc tên tổ tiên trong dòng họ của đứa trẻ. Tới tên nào mà đứa trẻ thè lưới ra liếm giọt sương thì nghĩa là hồn của vị tổ tiên đó đã nhập vào cháu và cháu bé mang luôn cái tên ấy.
Tuy có quan niệm gần như thống nhất về cái chết và chu trình khép kín của linh hồn người chết, nhưng có nơi, có nhóm tộc người người Giarai lại hình dung ra thế giới người chết hơi khác một chút. Ví dụ người Giarai Arăp ở xã Ia Mnông, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) làng tổ tiên nằm ở phía mặt trời lặn (hrơi Leh) và do một chủ làng có con chim Ó to (tuk tui) và phó trưởng làng có con khỉ gió (kra le) cai quản. Sau khi hồn ma chết sẽ biến thành người tí hon (djạ ngai) và xuống sống ở nơi tận cùng của đất (luých t'nah) dưới nơi tận cùng của đất là nước (ia), nơi cai quản của rồng (Prao), rồi những người tí hon tổ tiên đó mới lên mặt đất để nhập vào những đứa bé mới sinh ra để trở lại làm người. Quan niệm này của người Gia Rai Arap rất gần với truyền thuyết "hang Ađrênh" của người Êđê nói về nguồn gốc con người là từ những người từ trong lòng đất chui lên qua hang Ađrênh. Truyền thuyết "sự tích người Êđê" như sau: "chuyện từ dời ông bà xưa kể lại rằng: người Êđê vốn ở chui sâu trong lòng đất. Thủa ấy, chưa ai biết nấu cơm rượu, chưa ai biết dệt chăn, dệt khố...
Cai quản trên mặt đất là thần Pô Lăn. Thấy người Êđê ăn ở khổ quá, thần mới bảo con trai là Pô Epik:
- Con phải tới với họ, dạy họ cách nấu ăn, làm rượu uống mới được! bảo họ là ta sai con tới đó!
Pô Epik theo lời, chàng tìm đến hang sâu nơi người Êđê đang ở nhi nhúc như đàn kiến bầy mối. Chàng chỉ vẽ cho họ cách nấu cơm. Người ta nấu cơm ăn thấy ngon hơn, vui bụng lắm. Kế đó chàng bày cho họ cách làm rượu. Lấy củ gừng cay làm men, ủ với cơm nhão, để lâu thành rượu. Lúc hội hè vui mừng, họ có khách đông tây vào thăm viếng, mang rượu ra mời uống... càng thêm quý, thêm vui. Rượu còn cúng các thần linh để cầu may, cầu phúc...
Nhưng uống mãi thành quen, uống nhiều quá đâm ra say sưa, bê bết, đau ốm, bệnh tật. Bấy giờ người ta mới lo nghĩ và oán trách kẻ đã bầy cách nấu rượu, uống rượu. Người ta bèn cùng nhau đánh đuổi chàng Pô Epik, nhưng chàng trai chui vào một cái hang nhỏ sâu. Mọi người thôi không đuổi chàng nữa. Vừa lúc đó một con nai lớn chạy qua. Mọi người đuổi bắt được con nai đem thịt nướng ăn. Ăn xong, ai nấy đèu khát nước và đổ đi tìm nước uống. Trên đường đi tìm nước uống, mọi người mới phát hiện ra nơi họ đang đứng là mặt đất mênh mông có sông suối, cây cỏ, có đủ loại chim thú...
Ăn xong no nê, chè chén xong, mọi người mới trở về nơi chốn xưa của mình. Về tới nơi, họ kể chuyện đã nhìn thấy cho Mtao nghe. Mtao nghe thấy lạ bèn sai người đưa mình đến coi thử. Được nhìn thấy mặt đất giàu có, trù phú và đẹp, Mtao trở về nói với mọi người: - ta đã lên trên kia, thấy trên đó rất đẹp, rất hay. Trời sáng nhìn gì cũng rõ, có đủ thứ: núi rừng, cây cỏ, sông nước... Chúng ta hãy cùng nhau lên trên đó thôi!
Nghe Mtao nói vậy, mọi người ai nấy đều ham đi ngay. Mấy ngày sau Mơtao dẫn mọi người lên mặt đất để sống. Đường lên đã chật hẹp, tối tăm lại thêm con trâu của Y Rít sừng dài, cánh ná cứ ngênh ngang chắn lối đi, thành thử khi lên khỏi hang, nhiều đoàn người lạc nhau. Dẫn đầu là bộ tộc Ayun, thứ tới Êban, sau tới các họ như Mlô, Hdruê, Kbnor, Buôn Ya... Lên mặt đất sau cùng là bộ tộc Niê Kdăm.
Cái hang mà người Êđê lên khỏi lòng đất đó là cái hang Bang Adrên, gần Buôn Chuê".
Dù có những biểu hiện khác nhau trong cách mô tả và các hình tượng nhưng trong quan niệm về cái chết người Giarai và Êđê vẫn toát lên cái cốt lõi chung là: chết chỉ là chuyển sang trạng thái sống từ cuộc sống của con người sang cuộc sống của các tổ tiên trong lòng đất rồi các tổ tiên lại trở về mặt đất để thành người. Mà khâu chuyển tiếp để làm cho người chết sinh thành sang thế giới bên kia là lễ hội bỏ mả.
Cũng như người Giarai, Bahnar cho rằng, mỗi người khi sống đều có hồn (m'ngol hay ngol)  và hồn ở mỗi người, mỗi lứa tuổi mạnh yếu khác nhau. Những hồn yếu dễ bị lạc, dễ bị các thần hay ma bắt dữ đi, nên người có hồn yếu thường hay bị ốm đau, người nhà phải mời thầy bói (pơjâo) đến bói xem hồn người ốm ở đâu rồi gọi hồn về. Dù hồn mạnh hay hồn yếu thì khi người chết hồn lập tức biến thành ma (Atâo) để sau khi được làm lễ bỏ mả về bên kia sống với tổ tiên. Thế giới bên kia của các hồn ma là gì và ở đâu, các nhóm Bahnar quan niệm rất khác nhau. Người Bahnar Krem ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) cho rằng thế giới của các ma hay tổ tiên ở trên núi Kaking và gọi nơi đó là rừng ông bà (bri jạ bri bok). Khu rừng ông bà đó nằm ở đau đó phía mặt trời lặn (nar mứt). Trong khi đó, người Ba Na Tơlo ở huyện An Khê và huyện Công Chơro (tỉnh Gia Lai) thì lại quan niệm thế giới tổ tiên là nơi tối tăm (mang lung) nằm ở đâu đó rất xa về phía tây. Người Bahnar Tơlo còn kể lại rằng, ngày xưa mang lung nằm ở trên núi Lơ Khơng (Kông Lơ Khơng), chỉ bị ngăn cách với làng xóm của người sống bằng cái cửa đá (tơmo khing khớp) và người của hai thế giới vẫn trông thấy nhau. Những người sống vẫn có thể tới Kông Lơ Khơng để thăm hỏi những người thân của mình đã khuất. Vì được đi lại tự do, người ta đi quá nhiều và ở lại với người chế qua lâu nên công việc nương rẫy bị bỏ. Thấy cảnh tượng như vậy, con chuột không đuôi khỏ mạnh kơđút tức giận, nổi lửa đốt cháy các làng và dâng nước nhấn chìm hết làng xóm của người và sau đó rời làng của người chết đi một nơi khác rất xa về phía tây. Từ đó trở đi không những người chết không tới được mang lung mà các atâu tới đó cũng không phải dễ. Vì thế, chỉ sau khi được người sống làm lễ bỏ mả, Atâu mới có đủ lương ăn đi đường mới có con gà trống mà người thân cho để cưỡi mới có thể đi tới được nơi ông bà tổ tiên. Đến tới cửa đá (tơmo khing khớp), atâu phải khai tên tuổi, làng xóm và tên những người thân đã chết từ trước rồi mới được đưa đi gặp vua cai quản thế giới Atâu (Atâo brâo) là bà Bia Brâu sáu tai hung dữ để bà đưa về làng mà atâu sẽ sống ở đó. Ở mang lung hay thế giới bên kia của atau (dêh Atâu) cũng có làng mạc và các atâu cũng sống như khi là người người sống, nghĩa là cũng phải đi làm, cũng ốm đau và cũng chết. Nhưng ở thế giới của các ma, mọi thứ đều gần như ngược lại so với ở thế giới người sống: đẹp là xấu, ngày là đêm, vỡ là lành, cùn là sắc...Vì thế, khi chia của cho người chết hôm làm lễ bỏ mả, người Bahnar phải làm cho các thứ ngược hẳn lại: đập vỡ các ghè rượu, làm cùn dao cuốc, cắm ngược cầu thang...
Cũng giống như quan niệm của người Giarai và Êđê, người Bahnar cho rằng, Atâo không vĩnh viễn sống mãi ở thế giới bên kia mà cũng chết, biến thành giọt sương nhỏ để rồi tan vào đất. Thậm chí, có những Atâu, trước khi thành giọt sương, còn phải chết đi chết lại đến bảy lần. Người Bahnar có cả một bài văn nói về các kiếp của những hồn ma thuộc dạng "trầm luân" này như sau:
"Bơgai lôêch djng kiek
Kiek đe bek djng char
Char lôêch djng cho kwei
Cho kwei loêch djng kơne
Kơne de bu sa djng kơdut
Kơdut lôêch djng dak ngớp dak ngơm"
nghĩa là: "Người (ma của người) chết thành hổ
Hổ bị đâm chết hóa thành mèo rừng
Mèo rừng chết hóa thành chồn
Chồn chết hóa thành cheo
Cheo chết hóa thành chuột
Chuột bị người ăn, chết hóa thành chuột dũi
Chuột dũi chết hóa thành sương mù"
Vì đường đến mang lung xa và khó, nên các Atâu còn yếu ớt của nhứng đúa trẻ chết thường không thể đi đến được mang lung. Các Atâo trẻ em đó biến luôn thành các giọt sương nhỏ. Cũng chính vì thế mà khi làm lễ bỏ ma người Bahnar Krem phải căn dặn các hồn ma:
"E năm truh yă bri bok
Mok asuôr ne oei ane t'rong
Among kông hli kiek sa".
nghĩa là: "Hãy đi ngay tới rừng ông bà
Đừng có dừng lại ở mép đường, giữa núi
Mà cọp, thú sẽ ăn thịt".
Cũng như người người Giarai, Êđê... khi đứa trẻ ra đời được ít ngày, người Bahnar có làm lễ đặt tên cho con. Tuy không làm lễ cầu kì, nhưng cha mẹ phải chọn cái tên cho đúng với hình dáng, tính tình của đứa bé. Có lẽ hình ảnh sống động và phản ánh đúng tục đặt tên cho trẻ của người Bahnar là đoạn mô tả việc đặt tên cho năm anh em Đăm Noi trong trường ca (H'mon) Đăm Noi: "Năm đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ, cuống rốn dính nhằng nhịt vào nhau, đứa nào cũng khóc, đòi cha mẹ đặt tên... Thấy các con khóc đòi đặt tên, Bia Rắc dỗ: - Mẹ biết lũ mày đòi đặt tên chứ gì? Này đứa ra trước, đứa cắt rốn đầu của mẹ, mẹ muốn gọi tên con là Yung.
Vừa được mẹ cho đúng tên, Yung vụt nhỏm dậy chạy xuống cầu thang, chạy sang nhà rông.
Đứa tiếp theo vẫn khóc không dứt, đặt tên này không ưng bụng, tên kia không vừa ý. Bia Rắc nói: - Để mày xứng với anh cả, gần với anh lớn, mẹ đặt tên mày là Yang Yol.
Yang Yol đứng dậy cao lớn, mắt rực sáng...Rồi nó cười và đi ra nhà rông, rất vui vì mẹ đặt tên là Yang Yol..."
Các tên mà người Ba Na dùng để đặt cho con cái thường là giống hoặc gần với tên của tổ tiên ông bà hoặc các nhân vật trong thần thoại và truyện cổ để ước mong con cái mình được như vậy. Việc tìm tên cho đúng với đứa trẻ của người Ba Na về cơ bản rất gần với quan niệm đặt tên cho trẻ của một số tộc người Môn - Khmer khác ở Tây Nguyên. Ví dụ xưa kia khi đứa trẻ ra đời được từ hai, ba tháng đến một năm, người M'nông làm lễ đặt tên (mosak) cho bé. Để có được tên cho đứa trẻ, người nhà mời thầy bói (bu pol) hoặc thầy cúng (bu n'hum) đến tìm tên. Người thầy cúng hoặc thầy bói năm mơ thấy tổ tiên nào, sẽ đặt tên cho đứa bé cái tên gần với tên của vị tổ tiên đó. Trước khi nhập vào giấc mơ, thầy cúng hoặc thầy bói giết gà cúng, lấy rượu hòa với tiết gà rồi bôi tiết gà hòa rượu đó lên một hòn đá nhỏ. Xong thầy đặt hòn đá lên bát gạo, thắp một ngọn đèn sáng, rồi đi ngủ. Trong lúc đó,bố đứa trẻ lấy một hòn than đem bọc bông gòn ra ngoài rồi vừa phun nước vào hòn than vừa lẩm nhẩm đọc tên các vị tổ tiên. Đọc xong tên các vị tổ tiên nhà mình, ông bố đem đặt hòn than vào chỗ để các đồ đạc. Khi thầy cúng hay thầy bói thức dậy, ông sẽ nói ra một cái tên. Nếu cái tên mà trùng với tên của một vị tổ tiên nào đấy của gia đình thì cái tên đó sẽ là tên của đứa bé. Nếu sau khi đặt tên, đứa bé vẫn ốm yếu thì có nghĩa là đặt tên chưa đúng và phải mời thầy đến đoán lại. Còn trong trường hợp, khi đứa trẻ sinh ra đã có một dấu vết nào đó như vết chàm, nốt ruồi...giống của một vị tổ tiên nào đấy thì nghiễm nhiên đứa bé có cái tên của vị tổ ấy rồi chứ không cần phải làm lễ tìm tên nữa.
Như vậy là, cả người Giarai và Bahnar cũng như nhiều tộc người khác trên Tây Nguyên đều có một quan niệm khá chung và thống nhất là chết không phải là hết mà chỉ là sự tái sinh để sống ở một thế giới khác để rồi sẽ trở về làm người. Nếu nhìn về mặt biều hiện qua các sự kiện và hình tượng thì có thể thấy trong quan niệm về cái chết và sự sống của người Giarai và Bahnar cũng như của nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên một chu trình khép kín: Đất - người - ma - đất. Chu trình này lấy đất làm khâu chuyển tiếp để thể hiện ý niệm về sự tuần hoàn liên tục của một con người đi rồi về từ thế giới người sang thế giới ma và ngược lại theo công thức: Người - ma - người.
Vì có quan niệm rất nhân văn và khá đặc biệt như vậy về cái chết, nên người Tây Nguyên nói chung, người Giarai và Bahnar nói riêng không sợ người chết và cũng không thờ phụng tổ tiên như rất nhiều tộc người khác trên thế giới. Ở người Giarai và Bahnar, trong làng, trong các gia đình không có nơi thờ tổ tiên và không có tục cúng giỗ. Thế nhưng, vì quan niệm chết tức là chuyển trang thái của cuộc sống từ một thế giới vật chất sang một thế giới hoàn toàn trừu tượng, nên người Giarai và Bahnar cũng như một số tộc người khác ở Tây Nguyên có tục lệ làm lễ bỏ mả cho người chết để người chết thanh thản về thế giới bên kia và cũng để giải phóng cho người sống khỏi ràng buộc với người chết. Do đó có thể nói, lễ bỏ mả của người Giarai và Bahnar cũng như của nhiều tộc người khác trên Tây Nguyên là làm lễ hội cho người chết hồi sinh để bắt đầu sồng lại ở một trạng thái khác, ở một thế giới khác. Ý niệm "hồi sinh" về cái chết của người Giarai và Bahnar được thể hiện khá đầy đủ và chi tiết qua những hoạt động và những biểu hiện nghệ thuật mang tính "phồn thực" ở lễ bỏ mả. (còn nữa).

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Lễ cưới của người Êđê

Trai gái tìm hiểu nhau, quyết định đi đến thành hôn thì trước tiên phải thông qua đám hỏi. Nhà gái chuẩn bị lễ hỏi gồm một chén rượu và một vòng đồng để cúng thần, sau đó cô gái cùng ông mối đến nhà trai. Nếu ở khác buôn thì những người đi hỏi mang theo cơm nếp với ý nghĩa để đôi trai gái gắn bó với nhau như cơm nếp. Dăm adei (anh, em trai bên mẹ) cầm chiếc vòng đã được cúng thần để hỏi chàng trai, nếu chàng trai ưng thuận thì họ làm lễ trao vòng: Cô gái và chàng trai chạm tay vào chiếc vòng (đây là lời giao ước hôn thú). Từ đó coi như hai gia đình trở thành thông gia, mỗi gia đình cử ra Êmiêt awa (người đỡ đầu) của mình đại diện cho hai gia đình giúp đôi trai gái nên vợ nên chồng cũng như tham gia khuyên răn và hòa giải những bất hòa giữa hai gia đình.
Nếu trong trường hợp người con trai không đồng ý thì nhà trai làm một nghi lễ nhỏ mời nhà gái đến dự để tỏ lòng tôn trọng và duy trì sự hòa thuận với nhau. Theo quan niệm của người Êđê việc từ chối hôn lễ là từ chối hôn nhân của một dòng họ, ảnh hưởng và gây tổn thương rất lớn đến lòng tự trọng của không những một gia đình mà còn cả một dòng họ. Do đó cần thiết phải có sự thể hiện gắn bó đoàn kết của một cộng đồng dân tộc. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê.

Thách cưới (Knăm)

Hai gia đình gặp nhau bàn việc thách cưới do nhà trai đưa ra, thường là thách cưới rất cao. Đồ thách cưới gồm trâu, bò, chiêng, ché và ngày nay có thể là vàng... Nếu nhà trai và nhà gái đồng ý, họ sẽ chọn ngày đưa cô gái về sống tại nhà chồng một thời gian để thử thách. Nếu cô gái không trả nổi lễ vật thách cưới thì phải ở lại làm việc tại nhà chồng cho đến khi hết nợ mới có quyền rước chồng về nhà mình. Lúc này người con gái đó mới có quyền làm lễ gọi chồng. Trường hợp trả không hết nợ (thường là gái mồ côi) thì cô gái phải ở luôn bên nhà chồng. Đôi khi vì đồ thách cưới rất cao nên có trường hợp có con rồi mới làm lễ cưới.

Lễ gọi chồng (Iêu ung):

Khi đã đủ đồ thách cưới, nhà gái sẽ trao cho nhà trai và xin cưới, tức là làm lễ gọi chồng. Ngoài đồ thách cưới, nhà gái còn mang sang nhà trai ba lễ vật bắt buộc để trả công cho mẹ chồng :
  • 01 chén bằng đồng: Trả công ơn cho mẹ chồng đã tắm cho chồng lúc còn nhỏ bằng thau đồng.
  • 08 vòng đồng: Tượng trưng 08 lễ cúng trong chu kỳ sống của một con người trước khi lập gia đình.
  • 01 cái chăn: Trả cho mẹ chồng đã địu chồng lúc còn nhỏ
Ngoài ba lễ vật trên còn có nhiều vòng đồng để phát cho các thành viên của gia đình chồng.
Lễ rước rể:
Nhà trai tiễn con bằng một ché rượu và một con heo. Trên đường về nhà gái, chú rể được tặng nhiều vòng đồng - coi đó là lời cam kết thủy chung và lời chúc tụng hạnh phúc (thường thường, trong khi rước rể, một tốp thanh niên tinh nghịch sẽ đón đường té nước vào chú rể để thay lời chúc phúc cho đôi bạn trẻ). Trong nghi lễ, khi chủ nhà và khách đã yên vị, mọi người tiến hành lễ cúng cho mẹ chồng 01 ché rượu, 01 con heo. Sau đó là lễ cúng tổ tiên gồm 05 ché rượu và 01 con heo. Một Dăm adei lấy máu con vật hiến sinh bôi lên chân đôi vợ chồng mới cưới, chúc cho hai người 2 miếng cơm với 3 sừng rượu. Vị trưởng họ nhà gái đại diện hai bên trao vòng đồng cho đôi vợ chồng trẻ chạm tay và nhắc nhở lòng chung thủy ở mỗi người. Khách dự lần lượt đi qua mặt hai vợ chồng chúc tụng và tặng quà.