Những nghi lễ, lễ hội mang đậm bản sắc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên đang dần bị mai một, nếu chúng ta không nhanh chóng có những biện pháp tích cực và phù hợp để bảo tồn...
Lễ hội và nghi lễ- nét đẹp của bản sắc văn hóa:
Các nghi lễ và lễ hội của dân tộc Êđê và Mnông là rào chắn tốt nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa, gìn giữ phong tục tập quán và nếp sống tốt đẹp của cộng đồng. Thực tế cho thấy, ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nghi lễ - lễ hội được gìn giữ và thể hiện ở dạng nguyên sơ hơn ở vùng trung tâm thị trấn, thị tứ. Có những vùng vì thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi địa điểm cư trú, nên đã bỏ dần nếp sống cổ truyền.
Hiện nay, hầu như các nghi lễ và lễ hội của dân tộc Êđê, Mnông chưa có ranh giới rõ ràng. Ở đây thực chất có lễ mà chưa có hội. Nếu các dân tộc thiểu số phía Bắc gọi lễ hội, người Việt gọi là hội, như hội Đền Hùng, hội Gióng, hội Lim... thì đối với đồng bào Êđê, Mnông gọi lễ hội là lễ, như lễ đặt tên thổi tai, lễ cúng lúa, lễ cúng bến nước, lễ mừng được mùa, lễ cúng voi ... điều này có nghĩa là tính chất phần lễ ở đây luôn được coi trọng hơn phần hội.
Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ở Tây Nguyên phân các nghi lễ - lễ hội của đồng bào Êđê, Mnông theo hai hệ thống và lễ nông nghiệp và lễ vòng đời người. Lễ nông nghiệp thường được tổ chức trước và trong mùa rẫy thường là được tổ chức vào mùa mưa. Các lễ vòng đời thường được tổ chức sau mùa rẫy thường là vào mùa khô và dịp đầu xuân. Tùy theo từng lễ, có thể tổ chức theo từng gia đình riêng lẽ, rộng ra nữa là dòng họ, hoặc trong buôn làng. Tất nhiên rằng lễ nào cũng phải thể hiện đủ ba yếu tố: thời gian, địa điểm, quy mô.
Các nghi lễ - lễ hội dân gian của đồng bào Êđê, Mnông thường không mang tính tôn giáo, mà mang tính tâm linh đa thần. Hình thức của lễ thường gắn với việc cúng thần và lễ vật hiến thần. Lễ vật hiến thần nhỏ nhất là con gà, ché rượu, to hơn nữa là heo, bò, trâu cùng hàng chục ché rượu. Lễ nhỏ thường được tổ chức trong một ngày, lễ lớn từ ba đến bảy ngày. Tùy theo từng loại lễ mà thu hút cả dòng họ, cả buôn, hoặc nhiều buôn tham gia. Lễ ở đây, bên cạnh ý nghĩa nhân văn của cộng đồng thường gây tốn kém, lãng phí tiền của và thời gian của mọi người nhất là lễ bỏ mả của người Êđê Mdhur, Mnông Kuênh, lễ Tâm nghết của người Mnông Nong, lễ kết nghĩa của người Mnông Gar...
Một số lễ thường gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính chất hội như lễ cưới, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mã, lễ ăn trâu - mừng được mùa, lễ cúng nhà mới... nhưng phần hội trong các lễ này chủ yếu là nhằm phục vụ cho phần lễ được qui mô và đông vui hơn. Thí dụ lễ bỏ mả của người Êđê Mdhur, trong những ngày gia chủ tiến hành lễ bỏ mả, thì bà con trong dòng họ, trong buôn bỏ việc lên rừng, lên rẫy mà ở nhà dự lễ, mọi người vừa góp tiền của để giúp gia chủ, vừa tham gia giết trâu bò, nấu nướng, khiêng rượu, tạc tượng, dựng nêu, bày lễ cúng; vừa tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như đánh chiêng, thổi Rlet, Mbuôt, hát dân ca, kể sử thi, múa chim công, múa giã gạo... với mục đích làm cho lễ trở thành ngày hội của cộng đồng.
Nguy cơ mai một:
Bên cạnh một số lễ có tính tích cực, như lễ cúng sức khỏe, lễ cúng bến nước, lễ trưởng thành... còn một số lễ gắn với việc mê tín dị đoan, như lễ cúng chữa bệnh cho người ốm, lễ cúng đuổi tà ma cho gia đình có người chết dữ, lễ cúng yàng để xử phạt người nghi ma lai... Những lễ này thường dùng vật hiến sinh, như heo, trâu, bò vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền của của mọi thành viên trong cộng đồng.
Trước đây người Êđê, Mnông chủ yếu canh tác bằng lúa rẫy và các loại cây truyền thống như bắp, đậu, khoai lang, mì... thì nay ở hầu hết đồng bào dân tộc bản địa đã chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, bông vải, điều, cao su, mía... và làm nhà ở theo kiểu người Kinh, nên không còn các nghi lễ - lễ hội cúng lúa mới, cúng kho lúa, cúng bến nước, cúng sức khỏe, lễ ăn trâu mừng được mùa như trước đây. Có một số già làng ở Tây Nguyên đã nói rằng: “Gần hai mươi năm nay không được nghe một tiếng chiêng lễ hội nào, nhớ lắm, buồn lắm nhưng đành chịu thôi”.
Nhiều người lại cho biết: “chiêng ché đã bán đi gần hết rồi, bến nước không còn, thổ cẩm không ai dệt, rừng đã phá tận nguồn, mùa lúa rẫy chỉ còn thưa thớt trong một số buôn làng, nên lễ cúng hàng năm không ai để ý đến. Bây giờ người già thèm nghe một tiếng chiêng, trẻ con thèm tắm một bến nước mà không có được, thật là buồn”.
Tuy vậy, hiện nay nếu có dịp đến các buôn làng thì chúng ta vẫn thường gặp một số lễ cúng nhỏ. Đó là, lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh, lễ hỏi, lễ kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khỏe... được tổ chức gọn nhẹ trong từng gia đình của người Mnông Gar; lễ cúng cầu mưa, lễ bỏ mả, lễ cúng nhà mới của người Mnông Kuênh; Lễ ăn trâu- cúng bến nước của người Mnông Lào... Nhìn chung các lễ trên đều do từng gia đình tự đứng ra tổ chức nên quy mô nhỏ, hẹp và mang nặng tính chất của lễ nghi. Thậm chí có một số lễ bị bỏ quên từ lâu như lễ ăn trâu - cúng bến nước của đồng bào xã Krông Na (Buôn Đôn)... trong thời gian gần đây, nhờ sự tác động của Nhà nước (hỗ trợ về kinh phí) nên đồng bào đã cố gắng phục chế lại. Có già làng ở Buôn Đôn, sau khi tham gia tổ chức lễ ăn trâu - cúng bến nước đã tâm sự : “Nhờ Đảng, chính quyền ở địa phương đã tạo điều kiện cho buôn làng chúng tôi tổ chức lại lễ hội ăn trâu - cúng bến nước, để mọi người trong buôn có dịp sinh hoạt văn hóa, ôn lại truyền thống lễ hội của cộng đồng, nếu không chỉ vài năm nữa thôi, người già đi về với tổ tiên ông bà thì cháu con nó sẽ quên hết”. Điều đó chứng tỏ nghi lễ và lễ hội của người Êđê - Mnông đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã và có nguy cơ mất hẳn.
Làm sao để bảo tồn?
Muốn bảo tồn và phát huy những lễ hội mang tính tích cực, gắn với đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trước hết, cần có những chính sách cụ thể và kinh phí thích đáng cho việc khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (trong đó có nghi lễ - lễ hội) của đồng bào Êđê, Mnông. Nhà nước cần sớm ban hành Luật di sản văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào có ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trên cơ sở đó, nhanh chóng và kịp thời sưu tầm, phục hồi lại các nghi lễ - lễ hội truyền thống; chọn các lễ hội tiêu biểu của cộng đồng như lễ hội Tâm nghết (ăn trâu - mừng được mùa), lễ rước hồn lúa, lễ cúng bến nước, lễ kết nghĩa anh em... làm các lễ hội truyền thống hàng năm của buôn làng. Đương nhiên, cần tổ chức và hướng dẫn các nghi lễ - lễ hội một cách đúng đắn, lành mạnh, nhằm giúp đồng bào hướng về cộng đồng và văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cần phối hợp các ngành chức năng tiến hành thực hiện các đề tài khoa học về văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt qua tâm nghiên cứu các đề tài nghi lễ - lễ hội, gia đình mẫu hệ, phong tục tập quán, âm nhạc, sử thi của dân tộc Êđê, Mnông.
Một việc quan trọng là phải tiến hành xuất bản lần lượt các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật dân gian Êđê, Mnông, nhất là nghi lễ - lễ hội, phong tục tập quán, truyện cổ, luật tục, lời nói vần ... in bằng hai thứ tiếng Việt - Êđê, Việt - Mnông. Biên tập các chương trình văn nghệ dân gian, ghi âm và ghi hình để phát sóng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có việc thực hiện một số phim tài liệu về nghi lễ - lễ hội. Tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa lớn, như ngày hoạt động văn hóa các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, liên hoan cồng chiêng - nhạc cụ dân tộc, triển lãm văn hóa dân tộc, tổ chức các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian ở các buôn làng.
Cần nghiên cứu và phát huy các giá trị tích cực của nghi lễ - lễ hội trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa ở các buôn làng Êđê, Mnông, phục hồi và nâng cao một số lễ hội tiêu biểu để có thể tổ chức định kỳ hàng năm. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa dân tộc; có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình tham gia gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.
Cuối cùng là các lớp tập huấn nghiệp vụ sưu tầm, gìn giữ văn hóa dân tộc cho cán bộ văn hóa, huyện, xã, phường, thôn buôn. Tổ chức các lớp bồi dưỡng văn hóa truyền thống, mời các nghệ nhân tài giỏi truyền dạy cho con em dân tộc cách đánh cồng chiêng, sử dụng, chế tác nhạc cụ, tạc tượng, dệt thổ cẩm, tổ chức lễ hội... chú trọng việc bồi dưỡng các tài năng, đào tạo học sinh năng khiếu về văn hóa nghệ thuật và cán bộ quản lý văn hóa là con em các dân tộc thiểu số nói chung, con em dân tộc Êđê, Mnông nói riêng./.